Các ông lớn đang âm thầm tìm kiếm thêm nguồn dầu thô
Âm thầm khai thác thêm dầu thô
Năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố một lộ trình, thúc giục thế giới phải đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chỉ khoảng 4 tháng sau, cơ quan này lại kêu gọi thế giới vẫn cần đầu tư thêm cho lĩnh vực dầu khí vì công suất dự phòng của OPEC+ đang giảm dần.
Bên cạnh những tín hiệu trái chiều nêu trên, IEA còn công kích OPEC+, cáo buộc liên minh dầu mỏ đã cố tình siết chặt nguồn cung trên thị trường để giữ giá dầu ở mức cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, các ông lớn dầu mỏ trên thế giới vẫn đang khai thác thêm nhiên liệu hóa thạch, chỉ là họ không công khai nói về các dự án của mình.
Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Andrew Latham - Phó Giám đốc phụ trách mảng thăm dò dầu khí tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: "Các công ty dầu mỏ vẫn đang khám phá thêm các mỏ mới nhưng họ không còn công khai chia sẻ nhiều như trước đây".
"Bạn phải là một người theo dõi thị trường sát sao thì mới phát hiện những dự án mới của những công ty dầu mỏ đó…", ông Latham nhấn mạnh.
Theo Wood Mackenzie, năm ngoái, tổng cộng 798 giếng dầu đã được thẩm định hoặc thăm dò, bằng với số lượng của năm 2020. Con số này thấp hơn đáng kể so với 1.256 giếng của năm 2019, nhưng theo ông Latham thì sự sụt giảm có liên quan đến đại dịch.
Điều đó có nghĩa là, dù có hay không có lộ trình của IEA, hoạt động thăm dò - khai thác dầu thô trong năm nay vẫn có thể tăng, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu năng lượng bùng nổ mạnh mẽ.
Ba nguyên nhân cốt lõi
Đầu tháng 1 năm nay, Shell đã phát hiện một mỏ lớn ở Namibia. Reuters dẫn các nguồn giấu tên cho chính phủ của quốc gia Nam Phi này sẽ đưa ra thông báo chính thức trong tuần này.
ExxonMobil cũng đang tìm kiếm thêm các mỏ mới ngoài khơi Guyana. TotalEnergies của Pháp cũng đang tích cực khai thác các giếng dầu mới, ngay cả khi công ty này vẫn đang đẩy mạnh mảng kinh doanh năng lượng tái tạo.
TotalEnergies là doanh nghiệp đã khoan nhiều giếng thăm dò nhất trong năm ngoái, theo dữ liệu của Wood Mackenzie, xếp sau là ExxonMobil của Mỹ và Equinor của Na Uy.
Dù đã cam kết sẽ chuyển sang năng lượng tái tạo trong thời gian tới, hoặc thậm chí là bị bắt buộc phải giảm phát thải khí nhà kính, các công ty dầu khí vẫn không thể từ bỏ hoàn toàn mảng kinh doanh cốt lõi của họ, oilprice.com nhấn mạnh.
Có ba nguyên nhân chính thúc giục doanh nghiệp vẫn miệt mài khai thác dầu thô. Thứ nhất, nhu cầu dầu thô có vẻ như vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng tốt trong vài thập kỷ tới. Khá nhiều cơ quan dự báo đã đưa ra những nhận định tích cực về nhu cầu trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi hậu COVID.
Thứ hai là chi phí để lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời và điện gió đang tăng lên. Cùng lúc, nguồn cung của các kim loại quan trọng cho quá trình chuyển đổi lại bị hạn chế. Hai yếu tố này không phải là tín hiệu tốt cho cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, nhưng lại là tin vui cho nhu cầu dầu khí.
Nguyên nhân cuối cùng là giá dầu. Hiện tại, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động ngay sát dưới mức 90 USD/thùng và thậm chí có thời điểm leo lên trên mốc này (như hồi đầu tuần trước).
Trong bối cảnh như vậy, trong mắt doanh nghiệp, khai thác thêm dầu thô chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn là khi giá dầu chỉ loanh quanh ở mức 40 USD/thùng. Hơn nữa, giá dầu tăng là dấu hiệu chứng tỏ nhu cầu đang vượt xa nguồn cung.
Một số chuyên gia còn cho rằng việc giá dầu leo lên 90 USD/thùng chỉ mới là khởi đầu cho một đợt tăng mới. Như đã nói, công suất dự phòng của OPEC+ đang đi xuống, cho nên không thể loại trừ khả năng thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung dầu thô vào một ngày nào đó.
Đầu tháng 1, JPMorgan từng cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 125 USD/thùng do công suất dự phòng của OPEC giảm xuống còn khoảng 4% tổng công suất vào quý IV năm nay. IEA thậm chí còn bi quan hơn khi dự đoán công suất dự phòng của liên minh dầu mỏ có thể mất một nửa xuống chỉ còn 2,6 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022.
Vì những lẽ trên, các ông lớn trong ngành phải vung thêm tiền để tìm kiếm và khai phá thêm nhiều mỏ mới. Tuy nhiên, họ sẽ không công khai như trước. Thay vào đó, những công ty này sẽ nhấn mạnh các khoản đầu tư vào điện gió, điện mặt trời và xe điện để tránh điều tiếng.