Các 'ông lớn' của Nhật hợp lực chống lại sự bành trướng của Amazon
Tài sản 500 người giàu nhất bị 'thổi bay' gần 100 tỷ USD | |
Giá trị thị trường của Amazon vượt Microsoft lần đầu tiên trong lịch sử |
Việc Amazon mở rộng hoạt động sang cả các cửa hàng vật lý đang tạo sức ép khiến các công ty bán lẻ và công nghệ thông tin Nhật hợp tác lại với nhau để giảm bớt sự bành trướng của công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới này.
Amazon đang tiến những bước đi rất vững chắc để củng cố vị thế của hãng trong cả bán hàng trực tuyến và bán hàng trực tiếp.
Theo Nikkei, hiện tại, Aeon, Softbank và Yahoo Japan đang có những cuộc bàn thảo tích cực để cùng hợp tác tạo ra một trang bán hàng trực tuyến cho nhiều cửa hàng, trong đó có cả những cửa hàng chuyên biệt với một số mặt hàng hoặc thậm chí bán trung gian cho bên thứ ba.
Các cuộc bàn thảo vẫn đang tiếp diễn thế nhưng nhiều khả năng sẽ sớm có một thỏa thuận được công bố.
Aeon hiện là nhà bán lẻ lớn nhất tại Nhật. Aeon bắt đầu đưa vào sử dụng trang web Aeon.com hai năm trước để bán hàng triệu mặt hàng do chính Aeon sản xuất, từ thực phẩm đến đồ thiết yếu và quần áo. Aeon đồng thời có một siêu thị trực tuyến chuyên bán đồ tươi sống.
Tuy nhiên, những trang web bán hàng trên cho đến nay chưa thành công mấy trong việc bán những sản phẩm không phải do Aeon sản xuất. Cuối tháng 1/2018, Aeon đã đóng cửa trang web trung gian bán hàng cho nhiều trung tâm mua sắm ở Nhật.
Ảnh: Aeon Japan |
“Trang bán hàng của chúng tôi có nhiều điểm yếu”, chủ tịch của Aeon, ông Motoya Okada, thừa nhận. Nếu chỉ bán riêng hàng do Aeon sản xuất, người tiêu dùng không thể hài lòng, trong khi đó họ lại dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm của hãng khác chỉ thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Yahoo Japan hiện cũng đang vận hành một trang bán hàng trực tuyến có tên Yahoo Shopping nơi khoảng 650 nghìn cá nhân và doanh nghiệp bán đủ chủng loại mặt hàng.
Tuy nhiên, Amazon có lợi thế bán hàng cao hơn hẳn bởi Amazon nắm lợi thế về giá cả và vận chuyển. Hàng của Amazon bán trong nhiều trường hợp được sản xuất và cung cấp với số lượng lớn, sau đó lại được bán trực tiếp nên tiết kiệm chi phí ở tất cả các khâu.
Việc hợp tác nếu có hiệu quả sẽ giúp cho Aeon và Yahoo Japan giải quyết được những yếu điểm trong dịch vụ bán hàng trực tuyến hiện nay.
Cùng lúc đó, những kinh nghiệm trong ngành IT của SoftBank sẽ giúp ích không ít. Ba công ty này sẽ cùng thu thập và phân tích hành vi khách hàng tại các cửa hàng của Aeon, sau đó họ sử dụng thông tin này để dự báo về nhu cầu và rồi vận hành các cửa hàng hiệu quả hơn.
Đối với Aeon, việc sử dụng công nghệ thông tin vô cùng quan trọng, kể cả đối với các cửa hàng truyền thống. Công ty từng thử nghiệm mô hình cửa hàng tiện lợi không có người bán từ cuối năm 2017.
Khách hàng bước vào cửa hàng, mua sắm và sau đó thanh toán bằng máy. Aeon vẫn có nhân viên trực hỗ trợ khách hàng, thế nhưng hoạt động thanh toán hoàn toàn không có nhân viên nữa.
Tuy nhiên, để cạnh tranh được với Amazon, Aeon thiếu đi công nghệ cần thiết. Ví như hiện tại, các quầy hàng của Amazon không có đủ các biện pháp an ninh ví như chip cảm biến, điều đó khiến hành vi ăn trộm dễ xảy ra.
Việc mở những cửa hàng không có nhân viên không chỉ giúp tiết kiệm sức lao động mà còn có thể giúp cho bộ phận marketing so sánh tốt hơn được hành vi của người tiêu dùng từ đó thay đổi phong cách bán hàng.
Việc Amazon đẩy mạnh bành trướng ra các cửa hàng truyền thống, ví như việc Amazon bỏ ra 13,7 tỷ USD để mua lại Whole Foods Market đã tạo sức ép khiến nhiều công ty bán lẻ và công nghệ thông tin hợp tác với nhau.
Mới đây, công ty thương mại điện tử Rakuten của Nhật thông báo hợp tác với Walmart chi nhánh Seiyu để mở siêu thị trực tuyến. Tập đoàn Seven & i Holdings hiện đang sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất nước Nhật trong tháng 11/2017 đã ký hợp tác với Yahoo Japan để bắt đầu bán thực phẩm tươi sống.
Thế nhưng đến hiện tại dịch vụ mà hai bên cung cấp mới chỉ dừng lại ở thực phẩm tươi sống, chính vì vậy người ta không khỏi hoài nghi rằng không biết đến khi nào họ mới có thể thách thức được Amazon.
Nhiều công ty bán lẻ ở Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Tập đoàn Alibaba mới đây đã đầu tư vào các siêu thị của Sun Art, cùng lúc đó, tập đoàn Tencent đầu tư vào hợp tác với công ty sở hữu đại siêu thị Carrefour của Pháp và công ty siêu thị địa phương Yonghui.
TRUNG MẾN