|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các nước tăng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam

14:40 | 17/12/2022
Chia sẻ
Các quốc gia thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nền kinh tế xuất khẩu càng lớn, bị điều tra phòng vệ thương mại càng nhiều

Ngày 16/12, tại buổi công bố thông tin liên quan đến công tác phòng vệ thương mại 11 tháng năm 2022, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết tính đến hết tháng 11, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đến nay, các vụ việc đều đã được xử lý và đạt kết quả tích cực, nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp như mặt hàng như tôm, cá tra-basa, một số sản phẩm thép, mật ong...

“Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hoạt động của một số ngành sản xuất trong nước có sự biến động dẫn đến việc cần xem xét khả năng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Gia tăng các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam”, ông Trung cho hay. 

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin tin buổi công bố ngày 16/12. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ông Trung cho biết thêm, các nền kinh tế xuất khẩu lớn càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua và trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới.

Do đó, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn 2005-2010 là 25 vụ, thì đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 52 vụ và giai đoạn 2016-2021 là 109 vụ. Đến tháng 10/2022, có tổng 224 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Các quốc gia thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ; số vụ việc do EU khởi xướng có xu hướng giảm, tuy nhiên đây vẫn là khu vực quan tâm đặc biệt tới hoạt động phòng vệ thương mại.

Do đó doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý về truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh về giá cả và đặc biệt phải thận trọng với hàng chuyển tải, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba để giảm thiểu rủi ro không cần thiết.

5 yếu tố chính ảnh hưởng tới phòng vệ thương mại năm 2022

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã điều tra phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng. Cụ thể, trong tháng 9 đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn ghế nội thất; chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón DAP/MAP.

Tháng 8/2022, Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với một số sản phẩm đường mía, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm vật liệu hàn và tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H...

‘‘Đối với hoạt động nhập khẩu, Bộ Công thương không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nhưng dựa trên kết quả điều tra theo quy định pháp luật đã quyết định áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại, ngừng áp dụng hai biện pháp phòng vệ thương mại và tiến hành rà soát việc áp dụng 7 biện pháp phòng vệ thương mại…’’, ông Chu Thắng Trung nói. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, trong năm 2022, hoạt động phòng vệ thương mại bị ảnh hưởng bởi 5 yếu tố chính.

Đó là tình hình thương mại khu vực và toàn cầu, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị giữa một số nước diễn biến phức tạp kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước tiếp tục duy trì.

Kế đến là chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; chính sách tài chính tiền tệ của nhiều quốc gia có sự thay đổi để đáp ứng tình hình mới; tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2022.

Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì cách biện pháp cách ly, giãn cách xã hội gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến trao đổi thương mại quốc tế; việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi xuống thấp, nhiều dòng thuế mức 0%.

Như Huỳnh