|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các nước ASEAN trước sức ép nâng lãi suất khi giá nhiên liệu tăng vọt

07:47 | 31/10/2021
Chia sẻ
Theo Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JIRRI), giá nhiên liệu tăng cao sẽ gây ra tình trạng giá đồng nội tệ giảm và lạm phát gia tăng tại các nước thành viên ASEAN.

Theo Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JIRRI), giá nhiên liệu tăng cao sẽ gây ra tình trạng giá đồng nội tệ giảm và lạm phát gia tăng tại các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngoại trừ Indonesia và Malaysia.

Đây là những quốc gia xuất khẩu nhiên liệu lớn. Đặc biệt, Philippines và Thái Lan sẽ là những quốc gia chịu áp lực lớn phải tăng lãi suất -  yếu tố được cho là làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Giá các loại nhiên liệu như dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Bước vào tháng 10/2021, giá dầu thô WTI giao sau đạt mức cao kỷ lục là 80 USD/thùng, cao nhất trong khoảng 7 năm tính từ tháng 10/2014. 

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại thị trường châu Á và giá than của Australia đạt mức cao kỷ lục. Nguồn cung nhiên liệu sẽ tiếp tục giảm trong mùa Đông khi nhu cầu sưởi ấm tăng và nhiều khả năng giá nhiên liệu sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Trong 5 nước ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, giá nhiên liệu tăng cao sẽ có tác động khác nhau tùy thuộc vào quy mô nhập khẩu nhiên liệu. Những nước được hưởng lợi nhiều như Malaysia và Indonesia, ngược lại, Thái Lan, hay Philippines sẽ đối mặt với tình hình khó khăn. 

Việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu sẽ làm cán cân thương mại diễn biến theo chiều hướng xấu đi và gia tăng gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Trên thực tế, Malaysia và Indonesia gần đây đã duy trì thặng dư thương mại ở mức cao, trong khi cán cân thương mại của Thái Lan và Philippines có chiều hướng xấu đi.

Các nước ASEAN trước sức ép nâng lãi suất khi giá nhiên liệu tăng vọt - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Giá nhiên liệutăng ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái thông qua biến động của cán cân thương mại. Kể từ mùa Hè, tỷ giá đồng rupiah của Indonesia so với đồng USD đã tăng nhẹ, trong khi đồng bath của Thái Lan và peso của Philippines lại có xu hướng giảm giá. 

Ngoài ra, khi xem xét ảnh hưởng tới hối đoái, cần nhìn nhận dòng vốn đa dạng chứ không chỉ tính đến cán cân thương mại. Tại Thái Lan, ngành du lịch rơi vào trì trệ đã khiến thâm hụt cán cân dịch vụ tiếp tục tăng lên và điều này ảnh hưởng đến sự giảm giá của đồng nội địa. Trong khi giá nguyên liệu tăng cao, điều dễ nhận thấy là biến động cán cân thương mại sẽ ở mức cao và tình hình có thể sẽ tiếp tục tác động đến tiền tệ của mỗi quốc gia.

Trong tháng 11/2021, nhiều khả năng Mỹ sẽ thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ. Những động thái bình thường hóa chính sách tiền tệ này của Mỹ sẽ gây áp lực giảm giá lên các đồng tiền của thị trường mới nổi, bao gồm cả châu Á và có khả năng Philippines và Thái Lan sẽ phải phải tăng lãi suất trước áp lực này.

Về mặt thương mại, ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao cũng có sự khác nhau lớn giữa các nước. Tuy nhiên, về tổng thể, áp lực chi tiêu hộ gia đình tăng lên sẽ gây ra các tác động tiêu cực.

Tại ASEAN, tỷ trọng mặt hàng năng lượng và điện trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thái Lan là cao nhất (12,4%), tiếp theo là Malaysia (11,7%), Philippines (9,5%) và Indonesia (5,8%). Nhiều nước trong ASEAN cũng ghi nhận CPI năm 2021 tăng nhanh so với năm 2020. Đặc biệt, tại Philippines, CPI trong giai đoạn tháng 7-9/2021 đã tăng 4,56% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt chỉ tiêu 4% mà ngân hàng trung ương nước này đề ra. 

Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã giảm giá điện và nước từ tháng 6 đến cuối tháng 8/2021 và điều này đã ngăn chặn được ảnh hưởng khi giá dầu thô lên cao. Tuy nhiên, trong tháng 9/2021, chỉ số CPI đã tăng 1,68%, sau khi chương trình giảm giá điện, nước kết thúc và giá vận chuyển tăng cao. 

Tại Malaysia và Indonesia, chính phủ hai nước này áp dụng chế độ trợ cấp giá và việc giá nhiên liệu tăng cao có khả năng không thể hiện trong tỷ lệ lạm phát. Tháng 4/2021, chỉ số CPI của Malaysia tăng mạnh 4,68% do cơ sở so sánh của cùng kỳ năm ngoái thấp. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, chỉ số CPI của nước này đã giảm xuống mức 2%.

Có thể thấy, ngoài hai quốc gia là Malaysia và Indonesia hiện đang có chế độ trợ cấp nhiên liệu, việc giá nhiên liệu tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát của các quốc gia ASEAN. 

Các quốc gia ASEAN đang bắt đầu động thái triển khai chính sách nới lỏng tài chính để đối phó với dịch COVID-19. Tuy vậy, tình trạng lạm phát leo thang do giá nhiên liệu tăng cao có khả năng tạo ra sự thay đổi bước ngoặt. 

Nếu Thái Lan và Philippines xem xét tình trạng giá đồng nội tệ giảm, hai nước này có thể sẽ sớm quyết định nâng lãi suất. Do đại dịch COVID-19, các quốc gia ASEAN hiện đang khó khăn trong việc khôi phục kinh tế và nguy cơ sẽ càng chậm trễ hơn khi Mỹ bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Đức Thịnh