Các nhà sản xuất của Apple đỏ mắt tìm lao động tại Việt Nam
Theo Rest of World, cuối hè cũng là lúc các nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam bước vào mùa tuyển dụng mới. Để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm bận rộn, những công ty như Luxshare và Foxconn cần tuyển hàng nghìn công nhân lắp ráp, cả dài hạn lẫn thời vụ, để sản xuất các sản phẩm như AirPods và iPad.
Trước kia, những công việc này luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu". Nhưng vài năm trở lại đây, khi làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, cán cân quyền lực đã nghiêng về phía người lao động.
"Càng nhiều nhà máy cạnh tranh để thu hút người lao động thì phúc lợi càng phải hấp dẫn", ông Tống Diệp Anh, Giám đốc tiếp thị tại Việc 3 Miền, một công ty tuyển dụng công nhân cho các nhà máy sản xuất của Apple, chia sẻ. "Trước đây, người lao động phải bỏ tiền ra để có được việc làm. Giờ đây, thị trường đã bão hòa, họ có quyền lựa chọn”.
Để thu hút người lao động, các nhà máy và nhà tuyển dụng liên tục đăng video và livestream trên TikTok, Facebook để giới thiệu về công việc. Nhiều nơi đưa ra mức lương hấp dẫn lên đến 12 triệu đồng mỗi tháng cùng với tiền thưởng khi ký hợp đồng.
Năm ngoái, ngành sản xuất điện tử Việt Nam gặp khó khăn khiến hàng chục nghìn công nhân mất việc. Thế nhưng, bước sang quý II/2024, các nhà sản xuất tại Việt Nam lại đón nhận sự tăng trưởng đơn hàng mạnh mẽ nhất trong hơn một thập kỷ, theo số liệu từ S&P Global.
"Người lao động, nhất là giới trẻ, giờ đây đã có nhiều lựa chọn việc làm hơn. Thuyết phục họ quay lại nhà máy với những công việc đơn giản, nhàm chán và giờ giấc kéo dài là điều không dễ dàng", ông David Yuen-Tung Chan, nhà nghiên cứu tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nói. "Người lao động giờ đã biết lựa chọn nhà máy phù hợp với mình hơn. Đây có thể là tín hiệu tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm hơn đến điều kiện làm việc, từ đó thu hút nhân tài”.
Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất công nghệ muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc và né thuế quan của Mỹ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án mới và mở rộng trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện và điện tử.
Các nhà cung cấp của Apple và đối tác của họ đang ngày càng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Luxshare, Foxconn và Goertek đều đã xây dựng nhà máy mới. Nếu như năm 2015, Việt Nam chỉ có 8 nhà cung cấp cho Apple thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 35, tham gia lắp ráp AirPods, iPad và Macbook.
Sức hút của Việt Nam với các ông lớn công nghệ đến từ lực lượng lao động dồi dào với chi phí tương đối thấp. Mức lương trong ngành sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng chưa đến một nửa so với Trung Quốc, dù lương tối thiểu thực tế đã tăng 11,3% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2019, thuộc top đầu châu Á.
Tháng 7 vừa qua, Việt Nam tiếp tục tăng lương tối thiểu thêm 6%, lên 4,96 triệu đồng (200 USD) mỗi tháng.
Luxshare, sau khi mở rộng sản xuất tại Nghệ An trong năm nay, đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Hồi tháng 3, Luxshare đã phải nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tìm kiếm 1.500 lao động mỗi tháng. Chính quyền sau đó đã kêu gọi các trường đại học, cao đẳng nghề cung cấp thực tập sinh và người lao động cho công ty.
Ba tháng sau, trên tài khoản TikTok của mình, Luxshare đăng tải một video thông báo tăng mức thưởng cho nhân viên giới thiệu người mới thành công từ 1 triệu đồng (40 USD) lên 1,8 triệu đồng (73 USD) nếu người được giới thiệu làm việc đủ 60 ngày.
Anh Vương Văn Hùng, 25 tuổi, nhân viên bảo vệ tại một nhà máy khác của Luxshare ở Bắc Giang, tìm cách tuyển dụng nhiều nhất có thể. Trên tài khoản TikTok với gần 14.000 người theo dõi, anh thường xuyên đăng tải video về cuộc sống thường nhật tại nhà máy, từ giới thiệu phòng bóng bàn, bi-a, phòng gym đến phòng game trong ký túc xá. "Bạn nào chưa có việc làm thì liên hệ mình nhé. Mình sẽ hỗ trợ từ A đến Z", Hùng nhiệt tình mời gọi.
Hùng tiết lộ Luxshare treo thưởng hẳn 5 triệu đồng (203 USD) cho mỗi nhân viên mới mà anh giới thiệu được. "Giờ ai cũng đăng tin rầm rộ, mà người ta lại thường thích xin việc qua người quen hơn", Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Quang Nghiêm, quản lý tại Tri Thức Việt, một công ty tuyển dụng có trụ sở tại Bắc Ninh - thủ phủ công nghiệp phía Bắc, khẳng định rằng mạng xã hội là "mảnh đất vàng" để tìm kiếm ứng viên. "Không đầu tư vào TikTok thì đừng hòng tuyển được người", ông nói.
Tri Thức Việt sở hữu nhiều kênh TikTok "xịn sò". Bí quyết của họ là "chơi lớn" với các chế độ đãi ngộ, ví dụ như hỗ trợ tiền xe cộ cho ứng viên đến phỏng vấn. Thậm chí, Tri Thức Việt còn "bao" luôn cả chỗ ở miễn phí trong ký túc xá, một điều hiếm thấy ở các công ty tuyển dụng khác.
Việc 3 Miền cũng không kém cạnh khi tung ra các chương trình thưởng tiền mặt và quà tặng hấp dẫn như ô, chăn ga gối đệm cho ứng viên. "Bên em hỗ trợ đưa đón tận tình, có cả phòng chờ mát mẻ, lại còn giải đáp mọi thắc mắc cho các bạn nữa", Diệp Anh hào hứng chia sẻ.
Dù Trung Quốc dẫn đầu về số lượng dự án FDI mới đăng ký tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm (chiếm gần 30%), các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang "khóc ròng" vì thiếu kỹ thuật viên lành nghề biết tiếng Trung, theo công ty tuyển dụng Navigos Search.
Pegatron, với nhà máy đặt tại Hải Phòng, đã "mạnh tay" chi tiền hỗ trợ công nhân học tiếng Trung. Foxconn thỉnh thoảng lại tổ chức các buổi livestream tuyển dụng trên TikTok nhắm thẳng vào đối tượng ứng viên biết tiếng Trung.
Nhờ vậy mà Dương Quang Khánh, 21 tuổi, đã "chốt đơn" thành công vị trí tại Foxconn ở Bắc Giang hồi tháng 9. "Em thấy Foxconn có nhiều chính sách phát triển hấp dẫn, như cử nhân viên đi đào tạo bên Trung Quốc", anh chàng mới ra trường và đang chăm chỉ học tiếng Trung chia sẻ.
Hùng, "cao thủ săn đầu người" trên TikTok của Luxshare, cho biết anh đã trò chuyện với hơn 100 ứng viên tiềm năng. Theo anh, yếu tố then chốt quyết định ứng viên có "gật đầu" hay không vẫn là lương thưởng và môi trường làm việc: "Giờ người lao động tha hồ lựa chọn. Nhiều người vào làm một thời gian rồi lại nghỉ, nhảy qua nhảy lại giữa Luxshare, Foxconn với các công ty khác”.