|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng trung ương tại châu Á xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay

17:00 | 12/04/2019
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương tại châu Á sẽ phải cân nhắc thay đổi chính sách tiền tệ sau một năm thắt chặt vì tốc độ lạm phát chậm lại và triển vọng kinh tế vẫn chưa chắc chắn, theo các nhà kinh tế.
Các ngân hàng trung ương tại châu Á xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay - Ảnh 1.

Các ngân hàng trung ương tại châu Á nhiều khả năng hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Nhiều nền kinh tế châu Á thắt chặt chính sách trong năm 2018 

Do sự bất ổn xoay quanh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng từ sức mạnh của Trung Quốc, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang phải đối mặt với thách thức điều chỉnh chính sách nhằm điều hướng tình trạng kinh tế hỗ loạn tốt hơn.

Năm 2018, nhiều nền kinh tế châu Á đã chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho đồng nội tệ suy yếu cũng như để tránh dòng vốn chảy ra ngoài nhằm phản ứng với nhiều lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong số các quốc gia này có Singapore, hiện đang chờ quyết định chính sách tiền cho nửa cuối năm vào sáng hôm nay (12/4).

Ngân hàng Trung ương Singapore MAS) lần đầu tiên thắt chặt chính sách vào tháng 4/2018 sau 6 năm. Vào tháng 10 cùng năm, ngân hàng này lại tiếp tục thắt chặt chính sách thêm một lần nữa.

Singapore quyết định chính sách tiền tệ dựa trên tỉ giá hối đoái, theo đó đồng Singapore dollar sẽ được kiểm soát cùng một rổ tiền tệ của các đối tác thương mại. Để đồng nội tệ tăng đồng nghĩa rằng Singapore phải thắt chặt chính sách.

Phần lớn nhà kinh tế tin rằng Singapore sẽ tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ lần này và giữ cho chính sách này không thay đổi, vì tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã giảm xuống từ 1,7% trong tháng 1 xuống 1,5% trong tháng 2 vừa qua. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018.

"Bối cảnh thương mại đáng thất vọng (xuất phát từ căng thẳng Mỹ - Trung) vốn đang gây ra những lo ngại về tăng trưởng, cùng sự sụt giảm của lạm phát cốt lõi gần đây, có thể thúc đẩy nhiều người ủng hộ MAS giữ vững chính sách trong tháng 4/2019", ông Sim Moh Siong - chiến lược gia tiền tệ của Bank of Singapore - cho hay.

Singapore, Philipines và một số nước khác có khả năng nâng lãi suất vào cuối năm nay

Tuy nhiên, Singapore có thể chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay, theo cách nhà kinh tế tại Capital Economics.

Các ngân hàng trung ương tại châu Á xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay - Ảnh 2.

Tỉ lệ lãi suất tại một vài nước châu Á mới nổi.

"Nhiều khả năng các thiết lập chính sách tiền tệ sẽ được giữ nguyên trong tháng 4 này. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục yếu đi, chúng tôi nghĩ rằng MAS sẽ đảo ngược tiến trình và nới lỏng chính sách tại cuộc họp vào tháng 10 tới", các nhà kinh tế cho hay.

Philipines cũng có thể nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay do tốc độ tăng trưởng CPI hàng đầu của nước này đã giảm trong 6 tháng liên tiếp kể từ mức cao nhất vào tháng 9/2018, theo dự báo của Citigroup.

"Chúng tôi duy trì dự báo rằng Philipines sẽ cắt giảm tỉ lệ chính sách xuống 25 điểm cơ bản trong quí IV/2019 và quí I/2020", theo Citigroup.

Philipines đã duy trì tỉ lệ chính sách ở mức 4,75% kể từ tháng 11/2018, khi ngân hàng trung ương nước này tăng tổng cộng 175 điểm cơ bản trong năm để hỗ trợ đồng peso và hạ nhiệt lạm phát.

Mặc dù các ngân hàng trung ương ở châu Á đã thắt chặt chính sách vào năm 2018, triển vọng kinh tế vẫn dần tối đi do sự suy yếu ở Trung Quốc, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Những điều này đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp châu Á, khiến nhu cầu xuất khẩu và sản lượng công nghiệp chậm lại ở nhiều thị trường. Nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp các doanh nghiệp vay vốn và mở rộng.

Trong số các nền kinh tế lớn của châu Á, Ấn Độ vào tháng 2 đã trở thành nước đầu tiên thay đổi chính sách tiền tệ, theo đó hạ lãi suất từ 6,5% xuống 6,25%.

Ngân hàng Dự trữ Ấn độ vào ngày 4/4 một lần nữa hạ lãi suất xuống 6% do lạm phát tăng. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là động thái chính trị của Thủ tướng Narendra Modi trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng này và tháng 5 tới.

Những lần tăng lãi suất đáng chú ý tại châu Á

Trong năm 2018, Ấn Độ đã nâng lãi suất từ 6% lên 6,5% do đồng rupee của nước này mất giá mạnh so với đồng USD (xuất phát từ việc Fed thắt chặt chính sách).

Các nước châu Á khác vẫn chưa chuyển sang nới lỏng chính sách, thay vào đó họ vẫn giữ lãi suất hiện tại trong vài tháng qua.

Lãi suất của Indonesia đã ở mức 6% kể từ tháng 11/2018 sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất tổng cộng 175 điểm cơ bản từ mức 4,25% hồi tháng 5/2018.

Malaysia cũng duy trì lãi suất 3,25% kể từ tháng 1/2018 sau khi Bank Negara Malaysia tăng suất lần đầu tiên trong ba năm rưỡi từ mức 3%.

Bank Indonesia sẽ quyết định chính sách tiền tệ vào ngày 25/4 và Malaysia vào ngày 7/5.

Trần Nam Thi