Ngân hàng trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main (Đức) ngày 13/9/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại cuộc họp ở Frankfurt (Đức), các nhà hoạch định chính sách tiền tệ EU lo ngại trường hợp Brexit "cứng" (tức là Anh rời EU không có thỏa thuận) có thể làm rối loạn các thị trường tài chính và làm trầm trọng hơn mức tăng trưởng đang rất yếu của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bên cạnh Brexit, một loạt mối đe dọa khác cũng đã tác động đến niềm tin và hoạt động của khối, trong đó có các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc và việc Washington dọa đánh thuế nặng đối với hàng hóa của EU.
Hồi đầu tháng trước, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay và năm 2020 do "những bất ổn" từ địa chính trị cho đến xung đột thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực. Cụ thể, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6% so với mức dự báo trước đó. Đối với năm 2020, thể chế tài chính này dự đoán nền kinh tế khu vực tăng trưởng 1,6% thay vì mức 1,7% được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, ECB vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 là 1,5%. Tại cuộc họp ngày 10/4, ECB cũng dự báo tỷ lệ lạm phát của Eurozone sẽ tăng từ mức chỉ 1,2% trong năm nay lên 1,6% vào năm 2021, đều thấp hơn mục tiêu lạm phát 2,0% mà ECB đặt ra.
Dự kiến, Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ có một cuộc họp báo vài giờ trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về Brexit tại Brussels, Bỉ. Giới chuyên gia nhận định, ông Draghi sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc giảm triển vọng kinh tế của khối.
Cuộc họp tháng 4 của ECB đã được đẩy sớm lên một ngày để tránh trùng với một cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trước đó, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone xuống còn 1,3% trong năm 2019, tuy nhiên mức này vẫn cao hơn dự báo (1,1%) của ECB.