|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng trung ương chưa bao giờ ở tình thế nguy hiểm như hiện nay?

07:14 | 13/10/2016
Chia sẻ
Theo MarketWatch, các nhân vật quyền lực trong ngành tài chính thế giới bắt đầu lo âu với chính sách của các ngân hàng trung ương toàn cầu, vì tin rằng các chính sách này đang có tác dụng ngược, gây hại hơn là có lợi.

Đó là thông điệp bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, có được từ cuộc khảo sát không chính thức với hơn 100 nhân vật trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy hơn 70% trong số họ nói rằng chính sách tiền tệ hiện đang là một phần của vấn đề, thay vì là một giải pháp.

“Vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang đối mặt là... họ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn và uy tín hơn. Họ chưa bao giờ biết về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thật sự, và vì vậy họ chưa bao giờ ở tình thế nguy hiểm hơn”, Paul Tucker, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và giờ là giảng viên của đại học Harvard, lên tiếng.

Tucker cho hay các Chính phủ biết rằng lãnh đạo của các ngân hàng trung ương sẽ cố gắng kích thích kinh tế thông qua các biện pháp như là ấn định lãi suất và mua trái phiếu, đồng thời, cuộc họp thường niên năm nay tập trung rất nhiều vào vấn đề này.

Jacob Frankel, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel cũng nhận thấy sự nguy hiểm khi giữ lãi suất quá thấp trong khoảng thời gian quá dài có thể tạo ra những vấn đề lớn và gây khó khăn trở lại cho chúng ta.

Theo Frankel, lãi suất thấp làm suy yếu lĩnh vực tài chính, mở rộng các lĩnh vực có năng suất thấp và làm ảnh hưởng đến tổng sản lượng mỗi giờ làm việc. Ông khuyên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên tăng lãi suất càng sớm càng tốt.

“Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không thể giải quyết hết các vấn đề chính trong ngày – đó là năng suất, tính mở của các thị trường và tình trạng nhập cư”, Frankel nói thêm.

Các chuyên gia kinh tế ngày càng công nhận những biện pháp khắc phục tăng trưởng chậm đang vượt quá tầm các chính sách của ngân hàng trung ương. Giờ đây, các ngân hàng trung ương cũng ý thức được rằng họ cần sự giúp đỡ. Tháng trước, ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB, đã yêu cầu các Chính phủ hỗ trợ trong việc kích thích nền kinh tế châu Âu.

Tucker cho rằng các ngân hàng trung ương phải “bình tĩnh và tiếp tục” chỉ ra những gì mà các bộ phận khác của Chính phủ cần làm.

Nhã Thanh