|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng trung ương châu Á tăng dự trữ ngoại hối trước viễn cảnh Fed tăng lãi suất

06:35 | 14/06/2017
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á bắt đầu tăng dự trữ ngoại hối nhằm đối phó với diễn biến thị trường khi Fed tăng lãi suất.
cac ngan hang chau a tang du tru ngoai hoi

Các nhà quản lý tiền tệ đang lên kế hoạch tăng dự trữ ngoại hối, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất lần thứ ba trong 6 tháng. Trong khi hành động này đã được dự báo từ trước, chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài của Fed có thể gây ra những xáo trộn cho những thị trường mới nổi.

Châu Á đã phải chịu một cú sốc tài chính vào năm 2013 khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke gợi ý đã đến lúc kết thúc chính sách nới lỏng định lượng, gây ra hiện tượng “taper tantrum”. Taper tantrum là hiện tượng thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi giảm, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường này năm 2013.

Sự thay đổi này là nhờ Trung Quốc tiến hành mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc đã dừng việc hoạt động này vào năm ngoái. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với lượng dự trữ tăng 24,3 tỷ USD lên 3.054 tỷ USD trong tháng 5, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2014. Nguyên nhân là nhờ đồng nhân dân tệ mạnh hơn và nguồn vốn dễ dàng chảy ra khỏi đại lục, giúp các nhà chức trách của Bắc Kinh củng cố lượng ngoại hối dự trữ của quốc gia.

cac ngan hang chau a tang du tru ngoai hoi

Tại Malaysia, Indonesia và Singapore dự trữ ngoại hối cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ ghi nhận mức cao kỷ lục, nhờ nguồn vốn đầu tư lớn chảy vào thị trường chức khoán của quốc gia này.

“Châu Á đang củng cố công cụ phòng thủ nền kinh tế của mình. Điều này tạo ra sự hỗ trợ lớn cho các quan chức ngân hàng trung ương để đương đầu với bất kỳ biến động nào trong những tháng sắp tới, khi Fed thắt chặt chính sách tài chính nhiều hơn dự báo”, ông Frederic Neumannn, giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC ở Hồng Kông nhận định.

Việc Fed tăng lãi suất có thể tác động đến toàn châu Á khi nguồn vốn được thu hút để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, gây ra sự biến động của thị trường tài chính và làm tăng chi phí đi vay trong khu vực. Đông Nam Á sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng vì dịch vụ cho vay bằng đồng USD.

Tuy nhiên, lần này các thị trường bình tĩnh hơn. Đồng USD không thể duy trì đà tăng và dòng tiền ổn định ở châu Á đã cho các ngân hàng trung ương một lý do để tăng dự trữ ngoại tệ.

cac ngan hang chau a tang du tru ngoai hoi

Việc củng cố các yếu tố nền tảng giải thích cho hành động tăng dự trữ ngoại tệ. Tăng trưởng khắp khu vực duy trì ở mức ổn định nhờ nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tốt hơn những dự báo trước đó là sẽ tụt dốc. Bên cạnh đó, được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu, xuất khẩu từ các quốc gia như Hàn Quốc và Ấn Độ ghi nhận những mức cao trong nhiều năm, dù lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang leo thang.

Dòng tiền cũng được rót trở lại vào châu Á sau khi các nhà đầu tư xem xét lại tiềm năng kinh tế của các quốc gia như Philippines, Malaysia và Indonesia.

cac ngan hang chau a tang du tru ngoai hoi

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã nâng xếp hạng tín dụng của Indonesia lên mức đầu tư trong tháng 5, mang lại nguồn vốn lớn từ bên ngoài về cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

“Khu vực đang được hưởng lợi từ những kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn, các nhân tố vĩ mô cơ bản ổn định, tiến bộ về cải cách và vị thế ở bên ngoài khu vực mạnh hơn, cùng với bất ổn chính trị trong nước thấp”, Bejoy Das Gupta, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Á Thái Bình Dương của Viện Tài chính Quốc tế cho biết.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ phát triển của kinh tế châu Á có thể sẽ vượt 5% trong năm 2017 và 2018, so với mức 3,5% của cả thế giới trong năm nay. Những điều kiện tốt hơn đã tạo đà đi lên cho các đồng tiền trong khu vực và giúp tăng các tài khoản vãng lai.

Trong khi Fed có thể tăng lãi suất trong năm nay, những báo cáo việc làm trì trệ và lạm phát của Mỹ khiến các nhà đầu tư không muốn đặt cược vào thêm bất kỳ lần tăng lãi suất nào nữa trong năm nay.

Ngân hàng Goldman Sachs đã đẩy lùi thời gian dự báo về đợt tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay từ tháng 9 sang tháng 12. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện đặt cược vào việc sẽ có ít hơn 1 lần tăng lãi suất trong năm 2018. Điều này đã loại bỏ áp lực khỏi các đồng tiền ở khu vực châu Á.

Lyly Cao