|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng trung ương châu Á nên lo ngại về nợ nhiều hơn là lạm phát

15:10 | 20/06/2017
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương từ lâu đã dựa theo kỳ vọng lạm phát để đưa ra chính sách, bao gồm cả lãi suất, tuy nhiên một số chuyên gia phân tích băn khoăn liệu các nhà hoạch định chính sách châu Á có nên để ý tới yếu tố khác quan trọng hơn. 

Michael Heise, kinh tế trưởng tại Allianz, lưu ý tuần trước rằng các nền kinh tế châu Á đang hồi phục vững chắc. "Thương mại là một trong những lý do giải thích tại sao kinh tế châu Á hồi phục. Nguyên nhân khác nữa là bởi vấn đề có một chút rắc rối hơn và đó là chu kỳ tín dụng", ông Heise nói, chỉ ra một khoản nợ khổng lồ đang tăng khắp khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.

Ông Heise cũng lưu ý rằng giữa 2007 và 2016, nợ khu vực tư nhân, bao gồm hộ gia đình và các doanh nghiệp phi tài chính, đã tăng khoảng 90 điểm % tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Trung Quốc và khoảng 70 điểm % tại Singapore.

"Trong ngắn hạn, đây là một tin tốt khi nó ngăn cản sự suy giảm nhu cầu và sự yếu kém của nền kinh tế, tuy nhiên trong dài hạn, điều này sẽ làm dấy lên câu hỏi rằng liệu nó có bền vững". Theo ông, các nhà quản lý tiền tệ toàn thế giới nên bắt đầu chú trọng nhiều hơn tới việc ổn định tài chính thay vì lạm phát thuần túy.

Lạm phát toàn cầu vẫn ổn định, mặc dù những nộ lực cao nhất mà các nhà hoạch định chính sách đã làm để tăng lạm phát như hạ lãi suất, các chương trình nới lỏng định lượng.

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,1% theo tháng, nhưng tăng 1,9% theo năm, gần với mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc giá dầu tiếp tục giảm xuống thấp nhất 7 tháng hôm qua đã làm giảm giá tiêu dùng, theo số liệu của Reuters.

Tại Nhật Bản, CPI tháng 4 tăng 0,4% theo năm, tăng chỉ 0,2% so với mức tăng của tháng 3. Tại những nơi khác, CPI của Trung Quốc tăng 1,5% theo năm trong tháng 5 và lạm phát của Singapore tăng chỉ 0,4% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4.

Heise chỉ ra lo ngại rằng một số ngân hàng trung ương châu Á có thể kích hoạt giới hạn thanh khoản để chống lại tình trạng lạm phát thấp, bằng cách cắt giảm lãi suất sâu hơn.

Theo đó, bằng cách bơm thanh khoản vào thị trường đã đủ hay thậm chí giảm lãi suất, sự bất ổn tài chính còn tồi tệ hơn và tình hình cho vay thậm chí còn tăng lên. "Đó sẽ là phản ứng sai lầm", Heise nói.

Trong lưu ý hôm qua, Citi cũng chỉ ra dự báo rằng xu hướng giảm lạm phát giảm bất ngờ đồng nghĩa với việc lãi suất thấp hơn và lợi suất trái phiếu cũng thấp.

Theo Citi, áp lực giảm lợi suất có nghĩa là nới lỏng các điều kiện tài chính và khi lợi suất giảm cũng có thể làm trầm trọng thêm khả năng tiếp tục thu hồi vốn từ những tài sản rủi ro đang được định giá ngày càng cao.

Việc mua lại các tài sản định giá quá cao có thể quay trở lại gây thiệt hại cho các nhà đầu tư sau đó.

Tú Yên