Các ngân hàng Mỹ lên phương án điều chuyển tại châu Âu sau Brexit
Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Hai tháng trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, các ngân hàng Mỹ đã bắt đầu điều chuyển nhân viên tại London tới các quốc gia khác ở châu Âu và chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Theo các nguồn thạo tin, khoảng 400 nhân viên của Bank of America sẽ chuyển tới trụ sở mới ở Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) từ tháng Hai tới, trong đó, 200 nhân viên sẽ được điều chuyển trước ngày 29/3 khi Brexit chính thức diễn ra và số còn lại cũng sẽ sớm rời London.
Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan cũng dự định chuyển hàng trăm việc làm từ London tới các quốc gia khác ở châu Âu, đồng thời thuyên chuyển nhiều nhân viên trong đợt cuối năm 2018 vừa qua.
JPMorrgan hiện có một số văn phòng tại Frankfurt, Paris, Milan (Italy), Dublin (Ireland) và Luxembourg.
Goldman Sachs cũng đã triển khai kế hoạch củng cố nhân sự tại cả Frankfurt và Paris để đảm bảo dịch vụ khách hàng tốt nhất có thể từ ngày 29/3.
Ít nhất 63 nhân viên Citigroup ở London đã di chuyển tới khoảng 20 chi nhánh khác tại 27 quốc gia EU.
Tới nay, việc thuyên chuyển nhân viên ngân hàng vẫn diễn ra "dè dặt" vì ngành tài chính vẫn hy vọng London và Brussels có thể thống nhất về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho biết các ngân hàng sẽ tăng số lượng nhân viên thuyên chuyển nếu từ nay tới cuối tháng Hai tình hình diễn biến tiêu cực hơn.
Bên cạnh việc thuyên chuyển nhân viên từ Anh, các ngân hàng cũng thuê thêm các nhân viên khác ở các quốc gia châu Âu.
Việc các ngân hàng vẫn triển khai kế hoạch mở rộng tới Paris là một dấu hiệu cho thấy những tập đoàn tài chính Mỹ có vẻ không nao núng trước các cuộc biểu tình của phe Áo vàng tại Pháp.
Điều quan tâm lớn nhất lúc này với các tập đoàn tài chính có lẽ là Brexit sẽ diễn ra thế nào, có thỏa thuận hay không. Một số ngân hàng đã thu xếp để nhân viên có thể di chuyển tới London trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trong bối cảnh ngày Brexit chính thức diễn ra đang cận kề mà London vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng, các chuyên gia đánh giá nguy cơ không thỏa thuận càng tăng cao.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã cảnh báo về điều này.
Các ngân hàng lớn của Mỹ đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ này để đảm bảo hệ thống ngân hàng sẽ duy trì dịch vụ trong bối cảnh hỗn loạn.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong tuần qua cho biết ngân hàng đang làm việc với các tập đoàn tài chính của Mỹ hoạt động tại Anh và EU, đồng thời khẳng định FED theo dõi chặt chẽ tiến trình Brexit và làm việc với các tập đoàn tài chính cũng như các cơ quan quản lý tại Anh và EU để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống có thể diễn ra.