|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các kịch bản biến động cho VN-Index năm 2023

10:06 | 07/02/2023
Chia sẻ
Với kịch bản cơ sở, VN-Index dự kiến sẽ giao dịch ở mức P/E 11,3 lần và đạt mức 1.217 điểm.

Báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán ACB (ACBS) chỉ ra cùng với sự sụt giảm của thị trường toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, giá năng lượng tăng cao, căng thẳng giữa Ukraine và Nga, năm 2022 là một năm đầy biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index đạt đỉnh 1.520 điểm vào đầu tháng 4/2022, kết thúc năm ở mức 1.007,1 điểm, giảm 32,8% so với mức 1.498,3 điểm vào đầu năm. So với các thị trường khác trong khu vực, VN-Index ghi nhận mức giảm sâu nhất 32,8%, tiếp theo là thị trường Đài Loan (-22,6%). Chỉ một số ít duy trì được sắc xanh với mức tăng trưởng nhỏ ở mức một con số như Singapore (+4,1%) và Indonesia (+2,8%).

Về mặt định giá, Việt Nam đang ở mức 9,8 lần, thấp hơn 26,2% so với mức trung bình các thị trường là 13,3 lần. Đây cũng là mức định giá thấp nhất trong 10 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, cho thấy cơ hội tốt để đầu tư.

Nguồn: Bloomberg.

Dự báo về sự biến động của thị trường chứng khoán năm 2023, ACBS đưa ra 3 kịch bản.

Với kịch bản cơ sở, các nhà phân tích tin rằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ nhờ khả năng phục hồi của ngành ngân hàng nhờ chất lượng tài sản và NIM sẽ duy trì ổn định, cùng với kỳ vọng lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát trong năm 2023, giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy chi tiêu công, thúc đẩy lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực liên quan như logistics và khu công nghiệp.

Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn. Dựa trên kịch bản đó, VN-Index dự kiến sẽ giao dịch ở mức P/E 11,3 lần và đạt mức 1.217 điểm.

Kịch bản lạc quan dựa trên giả định áp lực lạm phát toàn cầu giảm bớt và nhu cầu toàn cầu tăng trở lại, thuận lợi cho dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam.

Dựa trên kịch bản đó, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tăng 17,8% so với cùng kỳ và VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.400, tương đương với P/E 12,5 lần. Nhóm phân tích lưu ý rằng con số này vẫn thấp hơn 15% so với mức P/E trung bình 14,7 lần trong 10 năm.

Cuối cùng, kịch bản thận trọng có thể xảy ra với giả định 1) các biến thể mới của COVID-19 khiến Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới phải phong tỏa trở lại, hoặc ít nhất là tăng cường các biện pháp phòng ngừa; 2) lạm phát toàn cầu có thể ở mức cao gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá; 3) sức mua tiếp tục giảm trên toàn thế giới; 4) thanh khoản hệ thống tiếp tục căng thẳng và/hoặc 5) thị trường trái phiếu tiếp tục chứng kiến các đợt điều tra như đã diễn ra trong thời gian qua.

Với kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận dự phóng là 7,8% và thị trường sẽ trở lại mức P/E thấp 10,1 lần như trong tháng 11/2022.

Nguồn: ACBS.

Thu Thảo