|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các gói hỗ trợ của Chính phủ: Công khai để dân giám sát

07:40 | 07/04/2020
Chia sẻ
Dự kiến, trong tuần này, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gói ngân sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng mất việc làm do dịch COVID-19. Lí do: trong số các đối tượng dự kiến được nhận hỗ trợ có nhiều nhóm không được qui định trong Luật Ngân sách nhà nước.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ: Công khai để dân giám sát - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong tuần này. Ảnh: Phạm Thanh

Chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua

Thường trực Chính phủ đã cơ bản thống nhất sẽ có gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho DN và NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, với người dân, có 7 nhóm đối tượng thuộc diện được ngân sách hỗ trợ trực tiếp để đảm bảo cuộc sống.

Theo Bộ Tài chính, trong 7 nhóm người được hỗ trợ từ ngân sách, có 3 nhóm đã và đang nhận hỗ trợ từ ngân sách, gồm: Người có công với cách mạng, nhóm người nhận bảo trợ xã hội, hộ nghèo (và cận nghèo). Tuy nhiên, còn 4 nhóm lâu nay chưa thuộc diện được nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, gồm: NLĐ có hợp đồng phải tạm nghỉ việc, hộ kinh doanh, người mất việc chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có hợp đồng bị mất việc.

Bộ Tài chính cho rằng, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể việc sử dụng ngân sách để chi hỗ trợ với 4 nhóm người này. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để có căn cứ pháp lý thực hiện.

Về việc chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ NLĐ phải nghỉ việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Bộ Tài chính, cũng phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Lý do là Luật Việc làm (quy định về Bảo hiểm thất nghiệp) không quy định về khoản chi trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ “thất nghiệp tạm thời” trong ngắn hạn do dịch bệnh. Vì thế, những trường hợp này chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp.

Tuy nhiên, do Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư còn lớn (hết năm 2019 kết dư khoảng 84.400 tỷ đồng), nên Bộ Tài chính kiến nghị sử dụng từ quỹ này để chi trả hỗ trợ cho nhóm phải tạm nghỉ việc không lương (thay vì sử dụng nguồn ngân sách nhà nước). Mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Về khoản hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách địa phương (50% lấy từ nguồn dự phòng, và 70% từ quỹ dự trữ tài chính và nguồn cải cách tiền lương còn dư), dù đã có Nghị quyết 86/2019 của Quốc hội cho phép chi thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa nêu chi cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc tổ chức triển khai thực hiện chi trả, thời điểm tổng hợp báo cáo nhu cầu hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng ở từng địa phương rất khác nhau. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương sẽ rót về địa phương nên Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng: Giao UBND các tỉnh thành căn cứ quy định có liên quan và số thực chi từ ngân sách nhà nước tổng hợp, báo cáo (có xác nhận của Kho bạc nhà nước) Chính phủ để xem xét, hỗ trợ.

Ngày 6/4, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay, cơ quan này đang xây dựng dự thảo chi tiết các điều kiện, đối tượng và hướng dẫn triển khai hỗ trợ cho NLĐ. Tuy nhiên, dự thảo sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tuần này nên ông chưa thể bình luận chi tiết. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, bộ này sẽ thông báo công khai chính sách để người dân giám sát thực hiện.

Tiêu chí nào cho DN vay lãi suất 0%/năm?

Về khoản cho DN gặp khó khăn do dịch COVID-19 vay với lãi suất 0% để trả lương, trợ cấp cho NLĐ mất việc, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, phần này Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng. Còn Bộ LĐ-TB&XH vẫn bảo lưu các đề xuất về diện DN được vay gói hỗ trợ này. Việc cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện, nên ngân hàng sẽ thẩm định kỹ càng tiêu chí của DN, để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, khả năng thu hồi khoản vay.

Trước đó, Chính phủ thống nhất: Cho DN gặp khó khăn vay không lãi suất, thời hạn vay tối đa 12 tháng, mức vay tối đa bằng 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc trong 3 tháng; DN có trách nhiệm trả số tiền lương cho NLĐ trong thời gian họ ngừng làm việc.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, khoản vay ưu đãi trên áp dụng với: DN có từ 30% LĐ và từ 100 LĐ trở lên, lao động phải luân phiên nghỉ việc cộng dồn từ 1 tháng trở lên; DN không còn nguồn thu để thanh toán các khoản trên cho NLĐ. Bộ này tính toán, sẽ có khoảng 250 - 500 nghìn LĐ ngừng việc cần hỗ trợ, tổng số tiền cho DN vay từ 5,9 đến 11,8 nghìn tỷ đồng (với trường hợp dịch bệnh diễn biến như hiện nay). Trường hợp dịch diễn biến xấu hơn, việc hỗ trợ có thể phải kéo dài tới 6 tháng, số LĐ bị ảnh hưởng có thể tăng lên 2,5 - 5 triệu người, số tiền cho DN vay từ 55 đến 111 nghìn tỷ đồng.

Nhóm DN thứ 2 được vay ưu đãi là DN có số LĐ bị thôi việc từ 10% trở lên và có từ 50 LĐ trở lên thôi việc, không có khả năng thanh toán cho NLĐ. Bộ LĐ-TB&XH tính toán, dự kiến số LĐ bị thôi việc 80 - 160 nghìn người, tương ứng số tiền cho DN vay trả trợ cấp thôi việc từ 780 đến 1.560 tỷ đồng; với khoản vay để trả trợ cấp mất việc, sẽ có từ 20 đến 60 nghìn người thuộc diện này, số tiền cho DN vay từ 390 đến 780 tỷ đồng.

Thường trực Chính phủ đã cơ bản thống nhất dùng ngân sách hỗ trợ 3 tháng cho NLĐ bị ảnh hưởng, mất việc làm vì dịch COVID-19, cụ thể: Hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng với người có công với cách mạng và người được bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng; Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng với hộ nghèo và cận nghèo; Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng với NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng và nghỉ không lương; Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng với hộ kinh doanh cá thể, NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ không có hợp đồng, mất việc làm.

Theo lãnh đạo NHCSXH, hiện NH đã nắm được chủ trương của Chính phủ. ”Ước tính của Bộ LĐTB&XH, số tiền DN gặp khó vay với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ vào khoảng 16.200 tỷ đồng. Số tiền này dùng hỗ trợ cho gần 3 triệu lao động. Chỉ cần có bộ tiêu chí, DN có xác nhận của ngành LĐTB&XH và chính quyền địa phương là đủ điều kiện, chúng tôi sẽ lập tức giải ngân”, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH khẳng định với PV Tiền phong.

K.H