Những ai có thể được Nhà nước hỗ trợ tiền mặt?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) mới đây đề xuất Chính phủ một gói hỗ trợ bằng tiền mặt dành cho một loạt đối tượng trong xã hội chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo tính toán, sẽ có hàng triệu người được thụ hưởng chính sách bằng việc nhận tiền mặt hỗ trợ. Tổng gói tín dụng là 52.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD).
Bộ KHĐT phân ra 6 nhóm đối tượng để nhận hỗ trợ.
Nhóm thứ nhất là các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhóm này sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6).
Dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ dành ra 6.470 tỷ đồng cho đối tượng này. Tổng số được hỗ trợ 4,315 triệu người.
Nhóm thứ hai là những hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Số tiền hỗ trợ là 1 triệu/hộ/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6). Như vậy, mỗi hộ sẽ nhận được 3 triệu. Ngân sách Nhà nước sẽ chi hơn 6.700 tỷ cho khoảng 2,24 triệu hộ được thụ hưởng. Theo đó, riêng hộ nghèo là 984.000 hộ.
Nhóm thứ ba được hỗ trợ là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Dự kiến mỗi lao động sẽ được trợ cấp 1,8 triệu đồng/người/tháng cũng trong 3 tháng (tháng 4-6). Theo tính toán có khoảng 1 triệu người được thụ hưởng chính sách, số tiền khoảng 5.400 tỷ đồng.
Nhóm thứ tư, gồm người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% (thời hạn không quá 12 tháng), mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.
Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu người.
Nhóm thứ năm là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh. Mỗi hộ sẽ nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6). Số tiền hỗ trợ từ ngân sách là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760.000 hộ.
Nhóm thứ sáu là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Nhóm này được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6).
Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu người.
Theo tính toán, để thực hiện các chính sách hỗ trợ này, thì cần có một ngân khoản khoảng trên 52.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,2 tỷ USD). Trong đó, ngân sách Nhà nước dự kiến chi khoảng 35.880 tỷ đồng, vay Ngân hàng Chính sách 16.200 tỷ đồng.
Bộ KHĐT cũng cho biết trong trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất chính sách tạm dừng đóng, miễn lãi chậm đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đây không phải là gói hỗ trợ tiền mặt, nhưng dự kiến giúp đỡ cho 1,5-3 triệu lao động, tương ứng từ 105.000-211.000 doanh nghiệp. Số tiền dự kiến khoảng 25.000-50.000 người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nguyên tắc là chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra.