|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các doanh nghiệp hàng đầu đang 'giết chết' kinh tế Mỹ?

16:52 | 19/06/2017
Chia sẻ
Các doanh nghiệp thành công nhất, bao gồm Alphabet và Wal-Mart đang kéo giảm tiền lương và phá hủy cộng đồng. 

Các doanh nghiệp Mỹ chiếm lĩnh thị trường đã mang tới những lợi ích tuyệt vời cho người tiêu dùng và các cổ đông, nhưng thành công của họ cũng đang phá hủy nền kinh tế Mỹ, theo Marketwatch.

Vấn đề với chủ nghĩa tư bản trong đó "người thắng lấy đi tất cả" là những người giành thắng lợi lấy đi tất cả và để lại một mớ hỗn độn cho những người còn lại giải quyết.

Những công ty đã xây dựng những thương hiệu xuất chúng, những sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời, nhưng đi kèm với đó là mặt trái của những doanh nghiệp "siêu sao": họ đang phá hủy nền kinh tế địa phương, kéo giảm lương của người lao động, ngăn cản tăng trưởng, giảm tinh thần doanh nhân và tăng sự bất bình đẳng đang chia rẽ nước Mỹ. Với những công nghệ đột phá, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Thống kê của cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy khoảng 3/4 các ngành kinh doanh của Mỹ đã trở nên tập trung hơn trong 20 năm qua, khi thị phần của các doanh nghiệp hàng đầu ngày càng tăng trong hàng trăm lĩnh vực kinh doanh, từ thức ăn cho chó tới bảo hiểm y tế.

Khoảng 10% nền kinh tế Mỹ được xem là đang có sự tập trung cao, với gần như tất cả doanh thu của các thị trường ngách này thuộc về một vài doanh nghiệp. Nhiều ngành được kiểm soát bởi ít hơn 10 công ty.

Và đây không phải là những trở ngại tiềm ẩn của nền kinh tế. Chúng là những dịch vụ và hàng hóa mà người ta mua hàng ngày.

Hãy nghĩ về những nhà bán lẻ hộp lớn, các hãng hàng không, các công ty chuyển phát nhanh, các nhà sản xuất thuốc, các nhà sản xuất ô tô, các nhà bảo hiểm, các ngân hàng, các công ty truyền thông, các công ty điện thoại, công ty phần mềm, nhà sản xuất thiết bị điện tử, các doanh nghiệp hàng không vũ trụ, các doanh nghiệp internet hay thậm chí là các doanh nghiệp giết mổ. Nghĩ về những doanh nghiệp như Alphabet, Apple, Facebook, Microsoft, General Motors, AT&T, UPS, Altria, Wal-Mart, American Express và nhiều doanh nghiệp khác.

Danh sách này bao gồm gần như tất cả những doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Gần như tất cả những cổ phiếu tăng điểm trên thị trường chứng khoán tới từ những doanh nghiệp này. Và họ cũng mang lại gần như tất cả lợi nhuận.

Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp chi phối ngành có giấy phép, quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền hay những giấy tờ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng không thể gia nhập thị trường. Họ có những thương hiệu cực mạnh. Họ vận động hành lang để chính phủ bảo hộ hay đưa ra những quy định ưu đãi đặc biệt. Để hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp này thâu tóm các đối thủ tiềm năng hay chặn các nguồn cung cấp thiết yếu, bao gồm cả lao động có tay nghề. Họ cũng kiểm soát các kênh phân phối.

Trong một số trường hợp, những công ty này hoạt động như một nhóm liên kết độc quyền hơn là những đối thủ cạnh tranh với nhau.

Quy mô của các doanh nghiệp lớn này cho phép họ có những lợi thế kinh tế mà các đối thủ nhỏ hơn không thế đuổi kịp.

Nói cách khác, các công ty này được bảo vệ bởi những hàng rào gia nhập ngành cao, điều mà nhà đầu tư danh tiếng Warren Buffett gọi là "hào nước". Một hào nước bảo vệ các doanh nghiệp, đảm bảo lợi nhuận của họ cao hơn so với cạnh tranh thực sự và công bằng.

Vậy vấn đề là gì? Sau tất cả, những doanh nghiệp này đang là những người thắng cuộc, họ đang đưa cho khách hàng những gì mà họ muốn.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế học, các luật gia và các nhà hoạch định chính sách đã nghĩ về cùng một điều này. Chừng nào mà người tiêu dùng không bị tổn hại, họ sẽ bỏ qua sự tập trung ngày càng tăng của các ngành trên thế giới và tại Mỹ, cho rằng chẳng việc gì phải lo lắng nhiều tới nó.

Nhưng gần đây, người ta chú ý nhiều hơn tới những nhược điểm của tình trạng độc quyền của Mỹ.

Kinh tế là một trong số ít những điều ủng hộ lợi ích của thiểu số thay vì đa số. Đó không chỉ là một vài ngân hàng quá lớn để thất bại. Không chỉ là những ngành được quản lý chặt chẽ hay những giới hạn mới của công nghệ cao. Hầu hết các doanh nghiệp thành công đều có đặc quyền.

Nhiều người chỉ trích nền kinh tế Mỹ trì trệ, cho rằng vấn đề là tại toàn cầu hóa, và câu trả lời của họ là kiểm soát đường biên giới. Nhưng những vấn đề về sự tập trung quá mức sẽ chỉ giảm bớt nếu kinh tế Mỹ hoàn toàn đóng cửa. Bản chất toàn cầu của các doanh nghiệp không phải là vấn đề cốt lõi, vấn đề là tình trạng tập trung hóa.

Nền kinh tế mà người thắng lấy đi tất cả đang đẩy những người thất bại ra khỏi cộng đồng và lực lượng lao động Mỹ. Nước Mỹ cần nhiều hơn sự cạnh tranh. Nền kinh tế Mỹ cần liên tục đổi mới thông qua quá trình phá hủy sáng tạo, nhưng điều đó chẳng xảy ra lúc này.

Tú Yên