|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các cổ phiếu đốt cháy tài khoản nhà đầu tư nhiều nhất năm 2016

08:58 | 05/01/2017
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu có lịch sử tăng vốn khủng trong quá khứ đã nằm trong top giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2016 với những diễn biến được cho là khá tích cực. Kết thúc năm 2016, VN-Index nằm ở mức 664,87 điểm, tăng 14,82% so với thời điểm cuối năm 2015. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,2% lên mức 80,12 điểm.

Trong năm 2016, trên thị trường niêm yết đã chứng kiến nhiều cổ phiếu có mức tăng giá phi mã, gấp đôi gấp ba đầu năm như DTL, TLH, SMC, SIC, TV2... Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn khá nhiều cổ phiếu khiến nhà đầu tư 'ôm hận' nếu nắm giữ trong cả năm qua.

Theo thống kê của NDH, chỉ tính riêng trên thị trường niêm yết là HOSE và HNX, trong năm 2016 đã có tới 47 cổ phiếu có mức giảm trên 50%, trong đó có 5 cổ phiếu giảm tới trên 80%.

Trên sàn HOSE đáng chú ý nhất phải kể đến cổ phiếu TNT của Công ty Cổ phần Tài nguyên. Cổ phiếu này trong năm 2016 đã để mất tới 91% giá trị từ mức 25.000 đồng/CP xuống chỉ còn 2.250 đồng/CP. Trên thị trường trong năm qua không có nhiều thông tin lý giải cho đà “lao dốc” của TNT. Trước đợt lao dốc vào giữa năm của TNT chỉ có một số thông tin hiếm hoi như một cá nhân đã bị phạt hơn 1 tỷ đồng vì sử dụng 26 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu TNT.

Đứng thứ 2 về mức giảm giá trên sàn HOSE là cổ phiếu TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, với mức giảm lên tới 81,4%. Khác với TNT, TTF từ một cổ phiếu “hot” trên thị trường với mức giá có lúc lên trên 40.000 đồng/CP, nhưng giá cổ phiếu này đã liên tục lao dốc và kết thúc năm chỉ còn ở mức 5.390 đồng/CP. Việc cổ phiếu TTF rơi tự do trong năm 2016 bắt nguồn từ thông tin liên quan đến công ty lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 nửa đầu năm 2016, hàng tồn kho của công ty 'bốc hơi', cổ đông lớn Tân Liên Phát tạm dừng chuyển đổi khoản vay hay những biến động lớn trong ban lãnh đạo công ty.

cac co phieu dot chay tai khoan nha dau tu nhieu nhat nam 2016
10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HOSE (Nguồn: Ndh)

Tiếp đến, cổ phiếu TSC của CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ là một trong 3 cổ phiếu có mức giảm trên 80% lại sàn HOSE. TSC kết thúc năm 2016 ở mức 2.630 đồng/CP, giảm 81,1% so với mức 13.900 đồng/CP hồi cuối năm 2015. TSC cuối quý II/2014 có VĐL 83 tỷ, nhưng đến cuối quý III/2015 là 1.476 tỷ. TSC từ một cổ phiếu nhỏ trở thành cổ phiếu có vốn điều gấp 17 lần sau một năm rưỡi.

Tiếp theo là các cổ phiếu có mức giảm trên 70% như HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (-78,5%), KSA của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (-72,8%), BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital (-71,8%), ATA của Công ty Cổ phần NTACO (-71,4%) và OGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (-71,1%).

Trên sàn HNX, dẫn đầu về mức giảm giá trong năm 2016 phần lớn là các cổ phiếu có lịch sử tăng vốn 'khủng'.

Cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn đã có mức giảm lên tới 85,11% từ 9.400 đồng/CP xuống chỉ còn vỏn vẹn 1.400 đồng/CP. SGO là cổ phiếu mới chỉ niêm yết trên sàn HNX từ 16/12/2015 với khoảng thời gian giao dịch khá tích cực trong vòng 1 vài tháng sau đó, tuy nhiên, giá cổ phiếu này bỗng nhiên lao dốc không phanh. SGO được thành lập với vốn điều lệ (VĐL) 1 tỷ đồng. Đến 29-12-2014, VĐL của SGO được tăng lên 100 tỷ đồng thông qua việc phát hành 9,9 triệu CP cho 5 cổ đông. Đến 2-2-2015, SGO tiếp tục có đợt tăng VĐL lên 200 tỷ đồng cũng thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu. Nghĩa là chỉ trong vòng 5 năm, VĐL của SGO đã tăng lên 200 lần dù DN này chưa niêm yết.

cac co phieu dot chay tai khoan nha dau tu nhieu nhat nam 2016
10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HNX (Nguồn: Ndh)

Tương tự SGO, hai cổ phiếu HKB của Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc và KVC của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ có mức giảm lần lượt 80,07% và 78,62%. Cả HKB và KVC cũng đều có quá khứ tăng vốn 'khủng'.

Năm 2009 HKB được thành lập với vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng với chỉ 5 nhân viên. Tính đến hết quý III/2016 vốn điều lệ của HKB đã tăng lên tới gần 516 tỷ đồng.

Còn đối với KVC, doanh nghiệp này tiền thân là Cơ sở sản xuất thép Kim Vĩ được thành lập từ năm 1989. Trước giai đoạn niêm yết, 3 năm liên tiếp từ 2012-2014, công ty đều thực hiện tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Lần thứ nhất là vào tháng 11/2012, công ty tăng vốn thêm 20 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng; lần 2 vào tháng 3/2013 tăng thêm 72 tỷ đồng lên 108 tỷ đồng; lần 3 vào tháng 9 năm 2014 tăng thêm 57 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng và lần gần đây nhất tăng từ 165 tỷ đồng lên 465 tỷ đồng trong tháng 5/2016.

Bình An