|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Các bộ trưởng đều thống nhất tiếp tục thúc đẩy TPP’

16:09 | 20/05/2017
Chia sẻ
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết nhóm trưởng đoàn đàm phán TPP sẽ có cuộc làm việc vào trưa nay để đưa ra đề xuất trình bộ trưởng thương mại các nước TPP.

“Các bộ trưởng đều thống nhất là tiếp tục thúc đẩy TPP”, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh nói với Zing.vn bên lề hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại của APEC (MRT 23) sáng nay tại Hà Nội.

Ông Khánh cũng cho biết nhóm trưởng đoàn đàm phán TPP sẽ có cuộc làm việc vào chiều nay để đưa ra đề xuất trình bộ trưởng thương mại các nước TPP. Các bộ trưởng sẽ có buổi làm việc kéo dài khoảng hai tiếng vào sáng mai tại khách sạn JW Marriott.

cac bo truong deu thong nhat tiep tuc thuc day tpp
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh tại MRT 23 sáng 20/5 ở Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.

Trong ngày hôm nay, một loạt các cuộc đối thoại song phương giữa các nước cũng được tiến hành để thăm dò về ý định của các bên. Trong chiều nay, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sẽ có buổi hội đàm và làm việc với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer

Khi được hỏi về phương án để thúc đẩy tiếp TPP, ông Khánh nói hiện mọi việc vẫn đang được bàn thảo.

Theo quy định hiện tại, tỷ lệ GDP của các nước triển khai TPP phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.

cac bo truong deu thong nhat tiep tuc thuc day tpp
New Zealand là một trong những nước quyết tâm thúc đẩy TPP 11 dù không có Mỹ tham gia. Ảnh: Lê Hiếu.

Việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP cũng hết sức phức tạp khi các nước đồng ý điều khoản TPP ban đầu đều có những tính toán tổng thể về được/mất với các đối tác, đặc biệt là với thị trường Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và là thị trường quan trọng nhất đối với các nước.

Đây là lý do các chuyên gia dự đoán việc đàm phán bất cứ điều khoản nào cũng sẽ dẫn đến việc các nước đòi hỏi thay đổi các điều khoản khác để cân đối được/mất trong hiệp định. Một nguồn tin ngoại giao nói với Zing.vn rằng việc mở lại đàm phán gần như là “không thể” vì sự phức tạp này.

Các chuyên gia cũng đánh giá cuộc gặp tại Hà Nội gần như mang tính quyết định của TPP khi các nước không có nhiều thời gian để quyết định trong năm nay. Một thời điểm nữa các bộ trưởng có thể đưa ra các quyết định quan trọng sẽ là SOM 3 của APEC vào cuối tháng 8 tại TP.HCM trước khi các lãnh đạo họp vào tháng 11.

Quyết tâm nhất lúc này có Nhật Bản (chiếm khoảng 20% tổng GDP 12 nước TPP), New Zealand và Australia. Hai nước khác cũng ủng hộ TPP 11 là Singapore và Brunei.

Các nước hy vọng được hưởng lợi lớn từ thị trường Mỹ như Malaysia và Việt Nam hiện vẫn đang tính toán phương án nào là phù hợp nhất để TPP tiếp tục.

Trong TPP 11, Việt Nam được coi là có lợi thế trong một số mặt hàng như mực, tôm và cá ngừ với thị trường Nhật Bản (thị trường lớn thứ 2 trong TPP). Tuy vậy lợi ích của thị trường Nhật không đủ bù đắp việc mất thị trường Mỹ trong TPP.

Trả lời Zing.vn, giáo sư Peter Petri của Đại học Brandeis thừa nhận TPP 11 sẽ không có lợi nhiều cho Việt Nam như bản TPP ban đầu khi các lợi thế lớn về tiếp cận thị trường may mặc và giày da của Mỹ không còn.

"Nhưng TPP 11 sẽ giúp tạo ra chuỗi cung cấp giá trị toàn cầu lớn hơn. Thu nhập của người Việt Nam sẽ tăng dù là Việt Nam sẽ không phải là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này (như hiệp định ban đầu)", ông nói.

Thanh Tuấn

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.