Cả trăm DN Việt đối mặt phá sản nếu Ấn Độ đột ngột dừng nhập khẩu hương nhang
Ngày 31/8, Bộ Công Thương Ấn Độ ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ diện thông thường sang diện hạn chế. Theo đó, các lô hàng sản phẩm hương nhang liên quan sẽ phải xin cấp phép nhập khẩu.
Thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép. Đến nay, chưa có bất kỳ giấy phép nhập khẩu nào được cấp cho sản phẩm này.
Khoảng 30 vạn lao động nông thôn đang làm việc trong ngành hương nhang của Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Hiện khoảng hơn 90% giá trị nhập khẩu sản phẩm hương nhang thô của Ấn Độ là từ Việt Nam. Như vậy mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và gần như duy nhất từ biện pháp này của Ấn Độ.
Đồng thời, do tính đặc thù của sản phẩm liên quan gần như không nơi nào khác trên thế giới tiêu thụ loại sản phẩm này, đối với ngành sản xuất các sản phẩm này, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ duy nhất và không thể thay thế bằng bất kỳ thị trường khác (kể cả nước ngoài và nội địa).
Vì vậy biện pháp nói trên của Ấn Độ đã ngay lập tức làm đình trệ toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hương nhang của Việt Nam với khoảng 30 vạn lao động nông thôn cung cấp nguyên liệu tăm tre, keo, mùn cưa, sản xuất, gia công loại hương nhang này.
Từ góc độ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế với phía Ấn Độ, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy biện pháp cấp phép nhập khẩu này của Ấn Độ vi phạm các nghĩa vụ của nước này trong các thỏa thuận liên quan.
Ông Nguyễn Xuân Hợp, Giám đốc công ty Trường Giang cho biết, việc Ấn Độ ra thông báo như vậy có thể sẽ làm sụp đổ hầu hết các doanh nghiệp trong nước.
“Đầu tháng 9 này công ty tôi có lô hàng đã chạy nhưng giờ không biết đang ở đâu, hiện còn rất nhiều hàng đang trôi nổi trên biển. Doanh nghiệp sản xuất tập trung cho mùa cao điểm ở Ấn Độ nên nguyên vật liệu đang tồn kho ở ước tính khoảng 15 triệu USD”, ông Giang nói.
Đại diện công ty Vương Long cũng chia sẻ, việc Ấn Độ thay đổi một cách đột ngột khiến sản xuất kinh doanh bị định trệ, doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Hàng tồn kho số lượng lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế.
Hàng ra cảng Hải Phòng phải quay đầu về. Hàng trên đường sang Ấn Độ không được thông quan dẫn đến tăng chi phí lưu kho, bãi.
Ông Phan Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Liêm Thành cho biết sản phẩm hương nhang Việt Nam xuất khẩu đi Ấn Độ thực chất là loại hương thô không mùi mà nhà nhập khẩu Ấn Độ nhập về, sau đó mới ướp, tẩm các loại hương của Ấn Độ.
Hương nhang xuất đi Ấn Độ có chiều dài 20-23 cm (trong khi các loại hương nhang khác là 38 cm); không mùi (trong khi các loại hương nhang khác đều có mùi).
Với các đặc điểm này, máy móc, thành phẩm cũng như nguyên liệu liên quan chỉ có thể sử dụng duy nhất cho mục đích sản xuất, xuất khẩu hương nhang Ấn Độ cho thị trường Ấn Độ.
“Do đó, một khi thị trường Ấn Độ hạn chế hoặc dừng nhập khẩu các sản phẩm hương nhang, toàn bộ ngành sản xuất này có nguy cơ bị triệt tiêu”, ông Luân nói.
Bà Chu Thị Nguyệt- Công ty Ánh Hồng (Hưng Yên) cho hay, công ty xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ từ 1996. Doanh nghiệp đã đầu tư 30 tỷ để xây dựng nhà xưởng, 800 máy, ngoài ra còn có lò sấy, giàn... và tạo việc làm cho hơn 1000 lao động.
“Đùng 1 cái Ấn Độ dừng nhập khẩu khiến chúng tôi không biết phải làm như thế nào, nguyên liệu, hàng trong kho còn 20 tỷ nữa, công nhân có khoảng 30% là người khuyết tật, còn lại là lao động trong độ tuổi 45-60 tuổi”, bà Nguyệt lo lắng.
Có nhiều năm làm việc với doanh nghiệp Ấn Độ, bà Vũ Thị Hường, Giám đốc công ty TNHH Hà Triều (Bình Dương) cho biết, khi công văn đột ngột ban hành, không chỉ doanh nghiệp Việt mà doanh nghiệp Ấn Độ cũng bàng hoàng. Bởi đang vào mùa cao điểm tháng 10 là mùa lễ hội lớn nhất của Ấn Độ, đơn hàng ồ ạt, các xưởng sản xuất phải tăng ca, làm liên tục.
Hầu như các doanh nghiệp đều vay ngân hàng để đầu tư sản xuất, vì thế nếu một tháng nữa không tháo gỡ được vấn đề này thì doanh nghiệp sản xuất hương nhang sẽ chết hàng loạt.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, kim ngạch xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ đạt 76 triệu USD/năm, hơn nữa, đây lại là doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, giải quyết đc việc làm cho lao động yếu thế. Nguyên liệu sản xuất đơn giản, thậm chí là phế phẩm ngành khác, tận dụng thành sản phẩm đem lại giá trị cao.
Theo ông Hải, thực tế trong quan hệ thương mại quốc tế, mặc dù có luật, có tham gia WTO nhưng có nước vẫn khó chơi, hành xử không theo luật. Đây không phải là lần đầu tiên, các ngành khác như hồ tiêu, sản phẩm công nghiệp của Việt Nam cũng đã bị áp dụng các biện pháp bảo hộ như thế này. Nhưng với ngành hương thì lần đầu tiên.
“Họ đưa ra hàng rào không mới nhưng cái nghiệt ngã nhất là Ấn Độ áp dụng ngay lập tức, không có thời gian chuyển đổi”, ông Hải nhấn mạnh.
Hơn nữa, khi áp dụng biện pháp hạn chế thì các nước phải đưa ra căn cứ như bảo vệ môi trường, thảm họa, dịch bệnh... còn Ấn Độ không đưa ra được lý do xác đáng để hạn chế.
Ông Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để làm việc, thể hiện sự phản đối quyết liệt, dù mặt hàng nhỏ nhưng Việt Nam không chấp nhận cách hành xử vô căn cứ này.
Về phía các doanh nghiệp, ông Hải cho rằng sau sự kiện này cần bắt tay ngay thành lập hiệp hội sản xuất hương nhang để chia sẻ, tạo tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải lớn hơn, kinh doanh thương mại quốc tế phải lúc nào cũng suôn sẻ, doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án dự phòng, đối phó. Doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, tìm hiểu thông tin, đa dạng hóa sản phẩm.
Liệu ngoài Ấn Độ có thị trường nào khác sử dụng nhang không, “không bỏ trứng vào 1 giỏ” để nếu 1 ngày không có Ấn Độ chúng ta vẫn có thị trường khác để giảm thiểu thiệt hại, rủi ro.