Cá tra Việt Nam tại Mỹ được hưởng lợi vì nguồn cung cá rô phi giảm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), cá rô phi và cá tra là các loài cá thịt trắng được ưa thích trên thế giới vì giá cả hợp lý, thơm ngon, giàu dinh dưỡng.
Tại một số thị trường lớn như Mỹ, cá rô phi được tiêu thụ nhiều hơn so với cá tra. Trung Quốc hiện đang là nguồn cung cá rô phi lớn nhất cho thị trường này. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, thị trường cá rô phi đang có sự thay đổi, cả về sức mua, nguồn cung và sức tiêu thụ.
Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp sản xuất cá rô phi lớn, là quốc gia xuất khẩu cá rô phi nhiều nhất thế giới. Mỹ là quốc gia tiêu thụ nhiều cá rô phi nhất thế giới, và Trung Quốc là nguồn cung chính cho thị trường này. Ngoài Trung Quốc, các nước như Indonesia, Việt Nam, Ecuador và Honduras cũng là các nhà cung cấp các sản phẩm cá rô phi cho thế giới.
Trong 11 năm kể từ năm 2010 -2021, sức tiêu thụ cá rô phi thế giới tăng trưởng 5,4%. Dự báo sản lượng rô phi năm 2024 đạt 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023 và tăng 13% so với năm 2020. Tuy nhiên, với thực tế hiện tại, nguồn cung và thị trường tiêu thụ cá rô phi đang có những thay đổi.
Nguồn cung cá rô phi của Trung Quốc giảm
Năm tháng đầu năm nay, Trung Quốc chứng kiến giảm 20% tổng xuất khẩu cá rô phi so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020).
Nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc là do năm 2023, thị trường bấp bênh, cung cầu không ổn định và việc người nuôi thua lỗ kéo dài đã khiến cho tình trạng người nuôi Trung Quốc không mặn mà với cá rô phi.
Ngoài ra, các yếu tố khác như chi phí thức ăn tăng cao và điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến chi phí nuôi tăng cũng tác động không nhỏ đến sự sụt giảm về tỷ lệ thả giống cũng như lượng thức ăn nuôi cá, nhiều trại sản xuất giống không muốn đầu tư mới. Đầu năm 2024, ngành cá rô phi bắt đầu phục hồi, tuy nhiên nguồn cung vẫn thiếu, khiến giá cao.
Đầu tháng 9, siêu bão YAGI đổ bộ vào Văn Xương, Hải Nam và Trạm Giang, Quảng Đông gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến cung cấp điện và nước cho các trang trại và nhà máy chế biến. Việc mất điện nhiều tuần, khiến cá rô phi từ các trang trại Trung Quốc không được phát triển trong điều kiện tốt nhất, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường.
Mặc dù các nhà máy chế biến tại Trung Quốc cơ bản khôi phục hoạt động, sản lượng nguyên liệu cá rô phi vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Dự báo, nhiều đơn hàng từ sẽ bị chậm trễ giao hàng, làm tăng áp lực lên giá cả tại thị trường Mỹ.
Nhập khẩu cá rô phi của Mỹ giảm mạnh
Nhập khẩu cá rô phi của Mỹ giảm mạnh do nguồn cung thấp từ Trung Quốc, gây áp lực tăng giá lên thị trường này.
Mỹ chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm như cá rô phi tươi sống, đông lạnh và phile đông lạnh. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, nhập phile cá rô phi tươi của Mỹ giảm 16%, và lượng phile đông lạnh giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng nhập khẩu phile tươi và đông lạnh dự kiến sẽ ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, ảnh hưởng đến cung cấp và tiêu dùng trên thị trường Mỹ. Do nguồn cung eo hẹp từ Trung Quốc, 5 tháng đầu năm nay, Mỹ tăng 3,5% nhập khẩu phile tươi từ Colombia. Riêng tháng 5, quốc gia này mua từ Colombia 677 tấn, trị giá 700 triệu USD.
Ngoài Trung Quốc, 5 tháng đầu năm nay, Mỹ cũng giảm nhập khẩu cá rô phi từ một số quốc gia Mỹ Latin khác nhưHonduras,Mexicovà Costa Rica...
Brazil là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin tăng xuất khẩu phile cá rô phi tươi sang Mỹ. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phile tươi cá rô phi của Brazil sang Mỹ đạt 1.614 tấn, chiếm 19% thị phần sản phẩm này tại Mỹ. Dự kiến, khối lượng này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2024.
Tác động đến cá tra Việt Nam
Theo VASEP, nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc cho Mỹ giảm, khiến giá cá tăng. Đây có thể là cơ hội cho cá thịt trắng Việt (chủ yếu là cá tra). Tuy nhiên, cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam, nhiều nhà cung cấp cá thịt trắng khác cũng tập trung sâu hơn vào thị trường này, điển hình là Brazil với các sản phẩm cá rô phi.
VASEP cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào chất lượng sản phẩm, công nghệ, dây chuyền sản xuất, phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile đông lạnh, và truyền thông mạnh mẽ để lan tỏa rộng hơn về loài cá dinh dưỡng nhưng giá cả hợp lý đến từ Việt Nam.
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), kể từ tháng 2 đến tháng 8, phile cá tra đông lạnh vượt qua phile cá rô phi, trở thành sản phẩm cá thịt trắng được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/10, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024.