Cá nhân trong nước bơm hơn 1 tỷ USD cân lực bán khối ngoại, đến lúc đừng quá quan tâm khối ngoại mua bán gì?
NĐT cá nhân đã bơm hơn 1 tỷ USD để đối ứng lực bán từ khối ngoại
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn thăng hoa khi các chỉ số thị trường liên tục phá vỡ các ngưỡng đỉnh lịch sử. VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.200 điểm được thiết lập trong hơn 20 năm hoạt động của thị trường.
Bỏ qua hiệu ứng "Sell in May", VN-Index tiếp tục đà tăng của những tháng trước đó và tiến tới vùng đỉnh mới tại 1.300 điểm. Khởi sắc hơn, VN30-Index vượt mốc 1.400 điểm khi dòng tiền liên tục đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Đà tăng điểm của thị trường được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp niêm yết và dòng tiền của khối nội. Trong đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước là tâm điểm của thị trường. Dòng tiền nội liên tục được đổ vào và số lượng tài khoản mở mới hàng tháng trong tình trạng tháng sau xô đổ kỷ lục của tháng trước.
Sau khi liên tục bơm tiền vào thị trường, nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành nhóm chiếm ưu thế, có phần tác động mạnh đến diễn biến chung. Trong nhiều tháng nay, giá trị giao dịch của nhóm NĐT cá nhân thường xuyên chiếm hơn 80% toàn thị trường.
Song song với đó, lực cầu của nhà đầu tư cá nhân trong nước đối ứng khối ngoại khi nhóm này liên tục rút ròng trong nhiều tháng.
Theo thống kê của người viết, nhà đầu tư cá nhân đã bơm thêm vào thị trường 23.869 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm nay. Hoạt động mua ròng tiếp tục diễn ra trong tháng 5.
Giá trị mua vào của NĐT cá nhân trong nước tương đương con số khối ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Ước tính của người viết trong 5 tháng (đến phiên 21/5), giá trị bán ròng của NĐT nước ngoài trên thị trường khoảng 24.600 tỷ đồng, cao hơn 27% so với tổng giá trị bán ra trong cả năm 2020.
Quan sát kể từ năm 2011, đây là thời điểm NĐT nước ngoài tạo áp lực bán ra mạnh mẽ nhất. Năm 2016, hoạt động rút ròng của khối ngoại khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc mạnh. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, lực cầu từ khối nội đã hấp thụ hoàn toàn lượng cổ phiếu bị khối ngoại bán ra.
Mặc dù vậy, xét về tổng thể, dòng tiền NĐT nước ngoài vẫn đang giữ trạng tháng mua ròng với giá trị hơn 2 tỷ USD trong 10 năm qua.
Đáng chú ý hơn, trong một sự kiện được tổ chức vào cuối tháng 3, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết lượng tiền mặt của nhà đầu tư ngoại trên tài khoản hiện khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 là 1,2 tỷ USD. Điều này cho thấy rằng khối ngoại vẫn chưa rút vốn khỏi Việt Nam, thay vào đó họ đang chờ những cơ hội để giải ngân trở lại thị trường.
Nhà đầu tư đừng quá quan tâm đến chuyện mua bán ròng của khối ngoại
Tại đại hội cổ đông được tổ chức cuối tuần trước (22/5), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng đưa ra quan điểm của mình khi được hỏi về dòng tiền ngoại và khả năng trở lại thị trường của khối này.
Theo Chủ tịch SSI, "một điều rất mừng là dòng tiền nước ngoài hiện hay không còn đóng góp quá nhiều đến VN-Index như ngày xưa. Mặc dù người ta bán ròng nhưng VN-Index tăng trưởng và thanh khoản đang rất cao".
Lý giải về hoạt động rút ròng của khối ngoại, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết các quỹ ngoại đều có những tiêu chí riêng. Khi đạt được những mục tiêu đưa ra, nhóm này sẽ rút. Các tiêu chí có thể là lợi nhuận, thời hạn quỹ hoặc việc nhận thấy không còn phù hợp.
Trong những tháng gần đây, một số quỹ ngoại lớn đã bán ra các cổ phiếu sau một thời gian dài nắm giữ bất chấp việc doanh nghiệp vẫn đang có nhiều dư địa tăng trưởng. Đơn cử, Penm III Germany GMBH & Co. KG bán hết 66,52 triệu cổ phiếu HPG của Hòa Phát để đóng quỹ bất chấp đà tăng giá mạnh của cổ phiếu này.
Nói thêm, người đứng đầu Chứng khoán SSI cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoạt động hơn 20 năm và các quỹ ngoại đã vào từ rất sớm. Thời điểm này các quỹ rút ròng do đến hạn và điều kiện thanh khoản tốt sau khi đã gia hạn một lần.
Việc đến và đi hoàn toàn theo mục tiêu của khối ngoại và hoàn toàn theo lợi ích của nhóm này chứ không phải vì lợi ích của thị trường, Chủ tịch SSI nêu quan điểm.
Đánh giá về khả năng trở lại của dòng vốn ngoại, ông Hưng cho rằng khi nào thị trường sôi động và các quỹ sẽ lập mới theo các tiêu chí mới, khi đó dòng tiền mới sẽ lại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Góc nhìn từ Chủ tịch SSI, thị trường chứng khoán có thể tồn tại hay không đều nhắm vào tiền nhàn dỗi của người dân. Nhà đầu tư nước ngoài hướng đến thị trường để kinh doanh kiếm lời. Các quỹ là xương sống, tạo benchmark (tham chiếu - PV) cho người dân có thể nhìn nhận vào để đánh giá cũng như đưa ra quyết định cho danh mục.
"Việc vào và ra theo các tiêu chí mới của các quỹ là chuyện thường xảy ra trên thị trường chứng khoán và chúng ta đừng quá quan tâm dòng tiền vào/ra lúc này", ông Nguyễn Duy Hưng chốt lại vấn đề.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/