'Cá mập' trên sàn chứng khoán - Bài 1: Chỉ mặt 'đội lái'
Giao dịch nội gián, đội lái là vấn nạn của chứng khoán. Ảnh: Anh Vũ |
Nắm bắt được tâm lý muốn đánh nhanh, lãi lớn… "đội lái" vẽ ra đủ các chiêu trò thổi giá chứng khoán, trục lợi, "úp sọt" nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Lãnh đạo công ty "úp sọt" nhà đầu tư
Lướt sóng cổ phiếu, đầu cơ ngắn hạn là một kênh kiếm lời nhanh được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Tuy nhiên, việc quá tham với các mức lợi nhuận ăn bằng lần, tức gấp đôi gấp ba chỉ trong vòng vài ngày, khiến không ít nhà đầu tư bị sập bẫy "đội lái".
"Đội lái" hay "nhà cái", "cá mập" (gọi chung là đội lái)… là thuật ngữ ám chỉ những người, nhóm người chuyên thao túng giá cổ phiếu. Đó có thể là một số nhà đầu tư lớn kết hợp với bộ phận của một số công ty chứng khoán cùng phối hợp thao túng giá cổ phiếu. Đội này sau đó liên kết với "tay trong" tại các doanh nghiệp niêm yết, sử dụng thông tin nội bộ làm giá cổ phiếu để trục lợi. Nắm trong tay lượng giao dịch, room margin (hạn mức cho vay); biết mã nào vay nhiều, vay ít CTCK cũng là một trong những "cá mập" trên sàn.
Nhưng "đội lái" đẳng cấp hơn là sự phối hợp giữa lãnh đạo công ty niêm yết với một vài đội lái thông thường làm giá chính cổ phiếu của công ty mình.
Những chiêu trò "làm giá" của đối tượng này cũng như nhiều "đội lái" khác khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ, thiệt hại nặng nề. Kịch bản quen thuộc là "đội lái" sẽ dùng thông tin bất lợi hay xu hướng giảm của cổ phiếu để đánh xuống (dìm giá). Sau đó mua vào dần cho đến khi đủ lượng cổ phiếu giá thấp.
Khi đã gom đủ "hàng", họ sẽ tung tin hỗ trợ kiểu dự án này, nhà máy kia… để đẩy giá cổ phiếu lên. Ở giai đoạn này, ban đầu "lái" sẽ tạo các phiên thanh khoản tăng dần với mức giá tăng chậm để lôi cuốn sự quan tâm của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư dính bẫy, nhảy vào mua thì mới đánh tăng vọt lên để không tốn nhiều lực.
Khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, "đội lái" bắt đầu phân phối và xả hàng, hiện thực chốt lời. Giai đoạn này thường kéo dài hơn nhiều lần giai đoạn tăng giá và sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ được công bố. Sẽ xuất hiện nhiều phiên tăng giảm xen kẽ, tăng trần giảm sàn với khối lượng giao dịch rất lớn và "đội lái" sẽ sử dụng phương pháp kéo xả, kê lệnh, phân phối giá sàn... để bán ra lượng lớn cổ phiếu đã mua vào.
Cuối cùng là giai đoạn thoái trào, "đội lái" thu quân, sau khi đã bán hết lượng cổ phiếu cần bán thì thông tin hỗ trợ sẽ tắt, các lệnh kê, đỡ cũng không còn và cổ phiếu chính thức xuống dốc không phanh. Kỹ thuật này được sử dụng thường xuyên, liên tục trong thời gian qua tại các cổ phiếu có vốn hóa vừa phải, mệnh giá thấp.
Điển hình cho "kỹ nghệ" lái này là trường hợp của bà Đỗ Thị Cẩm Thúy, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty CP Khoáng sản Đá Spilit (SPI). Bà này đã sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán để mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu SPI. Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt hành chính 600 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 9,3 tỉ đồng.
Một số trường hợp khác dù chưa rõ ràng nhưng cũng rất có "mùi" như quyết định của Ủy ban Chứng khoán phạt thành viên Hội đồng quản trị Công ty Xi măng Sông Đà (SCC), ông Nguyễn Tự Hào, 22,5 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch cổ phiếu SCC.
Giao dịch nội gián, đội lái là vấn nạn của chứng khoán. Ảnh: Anh Vũ |
Nhiều cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá
Trong những ngày gần đây, mặc dù Ủy ban Chứng khoán chưa vào cuộc, song các nhà đầu tư cũng "kháo" nhau một số cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá. Đơn cử là Công ty CP Đầu tư thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR). Giá của HAR tăng trần liên tiếp từ ngày 29/5 ở mức giá 4.500 đồng/cổ phiếu lên 6.710 đồng/cổ phiếu ngày 5/6.
Nhưng từ ngày 6/6 đến phiên giao dịch cuối cùng tuần qua 8./6, HAR lại liên tục giảm sàn, với hai phiên "trắng" thanh khoản, còn một phiên khối lượng hơn 127.000. Đáng nói trước đó, khối lượng giao dịch đã tăng vọt lên 2 triệu, thậm chí có phiên 2,5 triệu cổ phiếu. Trên một số diễn đàn về chứng khoán, nhà đầu tư đang kêu gọi tẩy chay "đội lái" khi cho rằng, đội này đang "lùa gà", kéo HAR lên 6 phiên tăng trần không thanh khoản và phiên cuối có thanh khoản đúng phiên "úp sọt" vào đầu nhỏ lẻ.
Trước đó, nhiều cổ phiếu nhỏ khác cũng có dấu hiệu bị thao túng bởi bàn tay của "đội lái" khi tăng trần, giảm sàn liên tiếp như Công ty CP Nông dược H.A.I (mã HAI), Công ty CP Đầu tư khoảng sản FLC AMD (mã AMD)…
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết năm 2017, cơ quan này đã ban hành khoảng 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó, phần lớn là các hành vi thao túng giá. Trong 1-2 tháng trở lại đây, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn khi nhiều nhà đầu tư cá nhân, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp, các công ty chứng khoán cũng bị xử phạt về việc không công bố thông tin, bán chui cổ phiếu nhưng có thể thấy, tình trạng thao túng, làm giá cổ phiếu vẫn đang được nhiều "đội lái" triển khai thực hiện. Nguy cơ sập sàn cho nhà đầu nhỏ, lẻ là rất lớn.
Xem thêm |