|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BVSC: Nợ công có thể áp sát 3 triệu tỷ đồng cuối năm

15:07 | 21/08/2016
Chia sẻ
Theo đánh giá của BVSC, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm nay có thể lên tới 385.375 tỷ đồng, nguyên nhân không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách mà còn do các khoản bảo lãnh, cho vay lại và đầu tư. Có nghĩa là quy mô nợ công có thể xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng.

Thâm hụt ngân sách luôn cao hơn cảnh báo của IMF

Báo cáo chuyên đề về nợ công vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố dẫn các nguồn số liệu chính thống cho thấy, thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn ở mức cao hơn so với dự toán.

Vào cuối tháng 7 vừa rồi, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.339.489 tỷ đồng, và bội chi là 249.362 tỷ đồng. So với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%.

Đáng lưu ý, số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%. Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.

bvsc no cong co the ap sat 3 trieu ty dong cuoi nam
Tính theo con số GDP cập nhật của Tổng cục thống kê cho năm 2015, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối 2015 là 2,6 triệu tỷ đồng

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6,6% trong năm 2013; 6,3% năm 2014; 6,1% năm 2015 và ước tính (theo dự toán) 5,5% năm 2016. BVSC đánh giá, tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.

Báo cáo của BVSC cũng đưa ra nhận định, áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Cụ thể, theo quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỷ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỷ đồng.

"Trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ", báo cáo lưu ý.

Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197.350 tỷ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm. Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỷ đồng (bằng tổng kể hoạch vay nợ trừ đi phần đảo nợ và trả nợ gốc, cộng với tổng bảo lãnh).

Nợ công có thể áp sát mức trần

Trong bối cảnh này, đến cuối tháng 7, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 207.379 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP), đạt 83% so với kế hoạch năm (kế hoạch điều chỉnh tăng thêm 30.000 tỷ đồng, lên 250.000 tỷ đồng). Nhờ việc hoàn thành tốt kế hoạch huy động trên thị trường trái phiếu, Chính phủ có thể chủ động điều hành kế hoạch vay nợ trong năm nay.

Tuy nhiên, ngay cả khi giả định nguồn huy động từ TPCP đạt kế hoạch, thì theo quyết định 1011, Chính phủ vẫn cần huy động thêm tổng cộng 86.000 tỷ đồng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Tại báo cáo này, BVSC đánh giá, nợ công có thể đạt mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016, áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép cho đến năm 2020. Theo số liệu cập nhật gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP. So với con số GDP cập nhật của Tổng cục thống kê cho năm 2015, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm này là 2.607.960 tỷ đồng.

"Giả định là tổng nợ công sẽ tăng thêm 385.375 tỷ đồng theo tính toán ở trên, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP", theo BVSC.

Tuy nhiên, BVSC cũng mở ra nhận định: Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn con số dự báo ở trên nếu tăng trưởng được cải thiện, nhưng áp lực gia tăng bội chi ngân sách trên thực tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong quản trị nợ công.

Theo thông báo kết quả phiên hợp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 7/2016, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% hoặc 6,5% trong năm 2016. Nếu ước tính này thành hiện thực, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn, bằng 64,1% (với tăng trưởng 6,3%) hoặc 63,9% (với tăng trưởng 6,5%) vào cuối năm 2016.

Mặc dù vậy, theo tính quy luật các năm trước, nếu giả định thâm hụt ngân sách trên thực tế cao hơn 10% so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP có thể tăng lên 64,9% theo kịch bản tăng trưởng cẩn trọng của BVSC; 64,6% và 64,5% theo hai kịch bản của Chính phủ.

Theo Bích Diệp

Dân trí