|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Bùng nổ' doanh số bán ô tô ngoại nhập nửa đầu năm

15:06 | 09/07/2019
Chia sẻ
CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) đang là doanh nghiệp Việt cảm nhận rõ nhất tính cạnh tranh khốc liệt của ATIGA.

Báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ trong doanh số bán hàng của CTCP Ô tô Trường Hải (THACO). 

Đặc biệt với dòng xe ben, xe tải nhỏ, doanh số của hãng giảm 15.081 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm 89%. Doanh số dòng Vinamazda giảm 5.512 chiếc, tương đương 33%; doanh số bán xe Peugoet giảm 965 chiếc, tương đương giảm 48%.

Cứu cánh cho THACO là dòng xe bus, doanh số tăng vọt 16.234 chiếc, gấp 16 lần nửa đầu năm 2018. Tổng doanh số của Thaco nửa đầu năm 2019 đạt 45.872 chiếc, giảm 4.525 chiếc và tương đương giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

thaco-khanh-thanh-nha-may-san-xuat-xe-mazda-lon-nhat-dong-nam-a-32147j

THACO sụt giảm mạnh về doanh số bán hàng sau 6 tháng đầu năm

Cùng cảnh ngộ, doanh số bán hàng của Vinamotor giảm 1.200 chiếc, tương ứng 72%; doanh số của Mercedes – Benz Việt Nam giảm 1.508 chiếc, tương đương giảm 51% (VAMA cho biết Mercedes đã dừng việc gửi báo cáo số liệu bán hàng). Doanh số của GM Việt Nam giảm 3.640 chiếc, tương đương 70% do hãng này chuyển đổi kế hoạch phân phối chỉ còn bán hai dòng xe Colorado và Trailblazer. Cuối năm ngoái, GM Việt Nam đã được Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Động thái nằm trong chiến lược đưa dòng xe VinFast thương hiệu Việt Nam ra thị trường.

Ở chiều ngược lại, các thương hiệu xe ngoại lại tỏ ra hết sức thành công trong nửa đầu 2019. Trong đó phải kể đến cặp đôi Toyota và Lexus với doanh số tăng 11.280 chiếc và 787 chiếc, tương ứng tăng 44% và 937% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số Mitsubishi tăng gần 4 lần đạt hơn 12.400 chiếc; doanh số Ford tăng 61% đạt 15.460 chiếc; doanh số Honda tăng 47% đạt 16.419 chiếc…

Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường 6 tháng đầu năm tăng 21% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở dòng xe ô tô du lịch (tăng 35%), trong khi dòng xe thương mại giảm nhẹ.

Đáng chú ý, doanh số bán xe nhập khẩu (CBU) tăng gấp 3 nửa đầu năm ngoái, tương ứng 62.542 chiếc; trong khi doanh số xe lắp ráp trong nước (CKD) giảm 14% chỉ còn 91.731 chiếc.

xe nhập

Nguồn: VAMA

Sự "bùng nổ" số lượng xe nhập khẩu nói trên xuất phát từ thời điểm Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, theo đó thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 30% về 0%.

Tại điễn đàn kinh tế tư nhân 2019 diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, Tổng giám đốc THACO – Phạm Văn Tài cho biết công ty đang phải cạnh tranh gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia, có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần. Cụ thể, các thị trường này sản xuất 1,5 triệu xe/năm, còn Việt Nam mới khoảng 300.000 xe/năm.  

Mặt khác, đây là các thị trường có lịch sử phát triển rất lâu, trên 50 năm; đồng thời, nền công nghiệp ô tô của các nước này cũng được Chính phủ bảo hộ và các chính sách vẫn đang được duy trì. Trong khi đó, công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ mới thực sự phát triển trong vài năm gần đây.

Do vậy,  đại diện THACO kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành xe sản xuất trong nước.

Đồng thời, THACO cũng kiến nghị việc cho tiến hành hậu thanh kiểm tra để được điều kiện thuế xuất nhập khẩu ưu đãi là 0%. Điều kiện đó là tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu phải đạt 40% đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhằm tránh gian lân thương mại. Theo ông Tài, để đạt được tỉ lệ nội địa hóa 40% là rất khó, nhất là với các mẫu xe du lịch cao cấp.

Đông A