Bức tâm thư hé lộ chuyện không chạy theo làm game crypto của ông Lê Hồng Minh
Trong bức thư gửi nhân viên đăng tải trên blog doanh nghiệp nhân kỷ niệm ngày thành lập công ty, ông Lê Hồng Minh - Nhà sáng lập kiêm CEO VNG, nói ông tin rằng “các game crypto không tạo ra giá trị thực sự cho người dùng, trừ việc đầu cơ”.
Do đó, VNG đã kiên quyết nói không với làn sóng game “crypto lùa gà” - theo cách dùng từ của người đứng đầu kỳ lân công nghệ Việt Nam.
Thực tế, giai đoạn 2021 là thời điểm tài sản số thực sự trở thành một khái niệm phổ biến. Theo Bloomberg, trong năm đó, hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã được đổ vào các startup mã hoá (crypto). Con số này cao hơn tổng vốn đầu tư cho các startup trong mảng này trong tất cả các năm trước cộng lại.
Tới năm 2022, việc startup Việt Sky Mavis - studio game đứng đằng sau trò chơi Axie Infinity, gọi vốn thành công 150 triệu USD và được định giá 3 tỷ USD đã truyền cảm hứng cho các nhà phát hành game trong nước.
Nhiều dự án crypto Việt Nam đã xuất hiện, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng có chất lượng và tiềm năng thực sự. Chiêu trò của các dự án này thường là hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế, quảng cáo rầm rộ, tạo hiệu ứng FOMO, tạo cộng đồng giả tạo, tập trung vào giá token,…
Hậu quả là nhiều người chơi bị lừa đảo, mất trắng số tiền đầu tư. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm xói mòn niềm tin vào thị trường game crypto. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như Crypto Bike - dự án bị tố cáo là "lùa gà" và không minh bạch trong hoạt động, gây làn sóng phẫn nộ khi giá token CB giảm mạnh đột ngột, khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.
Hay My DeFi Pet cũng gặp phải nhiều chỉ trích khi giá token DPET giảm mạnh sau khi ra mắt. Nhiều người chơi cho rằng dự án đã "xả" token lên đầu nhà đầu tư.
Tại thời điểm đỉnh sóng game crypto, báo cáo của CipherTrace cho biết các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử tăng 81% trong năm 2021, tổng thiệt hại lên tới 7,7 tỷ USD.
Riêng với VNG, xuất phát điểm với tựa game "huyền thoại" Võ Lâm Truyền Kỳ, đến nay VNG được biết tới là một trong 5 nhà phát hành game lớn nhất khu vực, theo Data.ai. VNG bắt tay với đối tác game lớn trên thế giới như Riot Games, Kingsoft, Tencent Games và liên tục cho ra mắt thị trường Việt Nam những tựa game "bom tấn" như Liên Minh Huyền Thoại, PUBG Mobile,…
Tuy nhiên, trong bao năm qua, doanh nghiệp này vẫn chỉ quen thuộc với người chơi bằng các thể loại game nhập vai và sinh tồn, vốn mang lại nền móng từ những ngày đầu. Do đó, tuy không “bắt sóng” game crypto như các nhà phát hành khác, VNG cũng từng theo trend khi đổ tiền vào game metaverse (thực tế ảo).
Hai năm trước, VNG cùng các nhà đầu tư khác đã rót 81 triệu USD vào startup Haegin của Hàn Quốc, theo Forbes. Tỷ lệ góp vốn của VNG không được tiết lộ.
Haegin nổi tiếng trên thị trường thế giới với loạt game đa thể loại như Home Run Clash, Overdogs, Extreme Golf và Play Together. Trong đó, tựa game metaverse Play Together đạt 80 triệu lượt tải toàn cầu và 4 triệu người dùng hàng ngày trong chưa đầy một năm phát hành kể từ tháng 4/2021.
Và dù đứng ngoài làn sóng blockchain, từ 2019 VNG liên tục đẩy mạnh đầu tư vào các mảng kinh doanh mới như thanh toán tài chính, điện toán đám mây,… Cùng với đó, công ty của ông Lê Hồng Minh liên tục tăng trưởng về số lượng nhân sự và chiêu mộ những chuyên gia lão làng từ thị trường quốc tế.
“Tập thể VNG bị cuốn theo ‘cơn sốt công nghệ’ giai đoạn ấy và đặt niềm tin rằng tất cả những khoản đầu tư của mình sẽ thành công. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải đối diện với sự thật rằng phần lớn các khoản đầu tư sẽ không dễ dàng tăng trưởng như kỳ vọng.
Đầu năm 2023, VNG đã phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, rất nhiều dự án thử nghiệm và ‘thắt lưng buộc bụng’ trước tất cả khoản chi phí phát sinh. Tổng kết lại, VNG đã mất một khoản tiền lớn đầu tư không hiệu quả trong 5 năm trước đó, và để lại nhiều kinh nghiệm thương đau”, ông Minh nhớ lại khoảng thời gian chạy theo trend của VNG.
Đến nay, đi qua nhiều cơn sốt trong ngành công nghệ, trụ cột chính cho VNG vẫn là mảng phát hành game, đóng góp từ 80% tới 90% vào tổng doanh thu hàng năm cho công ty. VNG đang vận hành 7 studio game tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và các studio game trong khu vực như Bangkok, Bắc Kinh, Jakarta, Manila, Kuala Lumpur và Đài Bắc.