|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BSC gợi ý chiến lược đầu tư tháng 4, điểm tên ba nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công

09:56 | 07/04/2022
Chia sẻ
BSC vừa đưa ra báo cáo chiến lược đầu tư trong tháng 4, khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công và gói phục hồi kinh tế, cùng với đó thận trọng quan sát tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine.

Cụ thể, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng như hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia trong nhiệm kỳ, BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công, và gói phục hồi kinh tế bao gồm vật liệu xây dựng, ngành thi công và bất động sản.

Mặt khác, BSC khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, cũng như từ tác động xung đột địa chính trị và gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc thuộc nhóm ngành: Bán lẻ, phân bón, thủy sản, hóa chất, dệt may, công nghệ thông tin, hoạt động chuyển phát. Bên cạnh đó, BSC cũng đưa ra một số đánh giá ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc đến tới một số ngành tại Việt Nam.

Ngành thủy sản

BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột . Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ; do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.

Ngành dệt may 

BSC nhận định việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành Dệt may tại Việt Nam.

Đối với ảnh hưởng tiêu cực, việc Trung Quốc phong tỏa huyện Đông Quan, tỉnh Quảng Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào ngành dệt may (chỉ, sợi, vải) khi tỉnh Quảng Đông là tỉnh trọng yếu chuyên sản xuất quần áo tại Trung Quốc. Trong trường hợp mở rộng phong tỏa toàn bộ tỉnh Quảng Đông, quy trình sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy. 

Đối với ảnh hưởng tích cực, BSC kỳ vọng một số đơn hàng dệt may sẽ dịch chuyển sang các nước lân cận (trong đó có Việt Nam), tiếp tục xu hưởng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí thấp hơn.

Ngành phân bón

Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali và DAP nghiêm trọng thêm, và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.

BSC đánh giá, giá phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ là yếu tố tích cực với ngành phân bón, tuy nhiên dư địa tăng trưởng đối với các cổ phiếu ngành phân bón là không nhiều, do mức nền cao của năm ngoái, và các chính sách về hạn chế xuất khẩu có thể được đưa ra trong thời gian tới. 

Ngành hóa chất

BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành Hóa chất. Trong ngắn hạn, việc Trung Quốc phong tỏa các thành phố (tỉnh Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm và huyện Đông Quan - Quảng Đông) sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đối với nhu cầu các sản phẩm Hóa chất do các thành phố bị phong tỏa - đặc biệt là Thâm Quyến - là thành phố lớn trong việc sản xuất hàng hóa điện tử.

Trong khi đó, nguồn cung hóa chất lại tập trung tại các tỉnh Thành Đô, Vân Nam hiện chưa có kế hoạch phong tỏa. Do đó, trong ngắn hạn, BSC cho rằng giá các sản phẩm Hóa chất tại Trung Quốc có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó, ảnh hưởng đến giá hóa chất trên thế giới (vd: các sản phẩm axit photphoric).

Từ những phân tích trên, BSC khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng tiếp tục quan sát tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc cũng như những diễn biến tiếp theo xung quanh căng thẳng giữa Nga – Ukraine.

Đ.Anh