Góc nhìn chuyên gia: NĐT chứng khoán đang đối mặt với tin đồn theo kiểu 'một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy'
"Tấc đất, tấc vàng", thành ngữ này không những thể hiện xu hướng xem trọng giá trị đất đai của người Việt mà còn chứng tỏ sự yêu thích của nhiều nhà đầu tư vào các mã cổ phiếu bất động sản trên bảng điện.
Tuy nhiên, gần đây hàng loạt các cá nhân và doanh nghiệp bất động sản tiếng tăm vướng vào vòng lao lý khiến nhà đầu tư tự hỏi liệu đất hay cổ phiếu đất còn được coi là vàng?
Gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu có tổng giá trị 10.030 tỷ đồng của nhóm Tân Hoàng Minh trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.
Theo đó, Bộ Công an đã khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 6 cá nhân khác về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hay như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và hàng loạt cá nhân liên quan bị bắt tạm giam vì thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thao túng giá chứng khoán và bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC.
Trước khi thông tin chính thức được công bố, nhiều tin đồn liên quan đến các sự kiện trên đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý nhà đầu tư trong hai tuần trở lại đây.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền phát sóng trưa hôm nay 6/4, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI nhận định đứng trước một tin đồn, người ta thường được khuyên cần phải đánh giá, xác thực thông tin trước khi ra quyết định, tuy nhiên điều này chỉ đúng với NĐT tổ chức.
Ngược lại, NĐT cá nhân thường khó có thể đánh giá tính chính xác và thường phản ứng “cứ tin đồn thì sẽ đúng”. Chỉ cần tin đồn về một cổ phiếu thì cả hệ sinh thái thuộc cổ phiếu đó giảm theo kiểu “một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy”.
Những câu chuyện thật giả đằng sau những tin đồn này đối với những NĐT cá nhân bị hạn chế về nguồn thông tin là điều khó xác định. "Nhưng khi đầu tư mà phải mất thời gian đi xác nhận tin đồn đúng hay sai và tìm câu trả lời từ người khác thì chắc chắn bạn đã đầu tư sai", chuyên gia SSI nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về trường hợp cổ phiếu FLC, NĐT đã có nhiều cơ hội để thoát ra khi có những thông tin bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết từ tháng 1. Nhưng đến hiện tại, nhiều NĐT vẫn tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu FLC theo kiểu “thả gà ra đuổi” và bị xoay quanh hàng loạt tin đồn.
Thị trường vẫn được hỗ trợ bởi dòng tiền
Những phiên giao dịch gần đây, VN-Index liên tục giằng co tại vùng đỉnh cũ và bị ảnh hưởng không ít bởi những tin đồn, gây không ít áp lực lên nhiều nhóm ngành khác. Mặc dù NĐT cá nhân có xu hướng bán ròng, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi dòng vốn nước ngoài.
Bà Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSI AM) nhận định: "Về dài hạn, các NĐT tổ chức vẫn đánh giá cao tiềm năng của chứng khoán Việt Nam và cho rằng phiên giảm điểm là cơ hội mua vào. Đây là lực đỡ chính của thị trường và đa số các cổ phiếu tăng giá đều nằm trong rổ VN30. Trong khi đó, xu hướng NĐT cá nhân bán ròng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn khi thị trường bình ổn trở lại".
Ông Phạm Lưu Hưng cho biết khi đối mặt với tin đồn, TTCK Việt Nam rất may mắn vì có dòng vốn nước ngoài, chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư Thái Lan thông qua mua ròng chứng chỉ lưu ký (DR) Diamond ETF. Các quỹ đầu tư Thái Lan ưa chuộng Việt Nam vì Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với họ trong những năm trước và kỳ vọng sẽ có câu chuyện tăng trưởng tương tự trong những năm tới.
"Hiện tại dòng vốn vào thị trường, đặc biệt là nhóm VN30, vẫn ổn định nên chưa ghi nhận tâm lý bán tháo. Tuy nhiên, thời gian tới, khi những câu chuyện liên quan đến những bê bối thao túng thị trường có diễn biễn bất ngờ thì vẫn có khả năng gây hiệu ứng bán lan sang nhóm ngành khác. Thời điểm này nếu cho rằng “tin xấu đã ra hết rồi” thì lạc quan quá".
Khó xảy ra hiệu ứng dây truyền từ bất động sản sang ngân hàng
Nhận định về cổ phiếu bất động sản nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng những diễn biến hiện nay chỉ là những vết nứt ở một vài doanh nghiệp và cần phải theo dõi xem nó có biến thành trận "động đất" trong thời gian tới hay không. Ngoài ra, diễn biến liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay mang tính chất khoanh vùng và chưa có hiệu ứng lan rộng.
Giới đầu tư cũng đang lo ngại nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng đang cho vay những doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Xuân Quỳnh đánh giá sẽ khó xảy ra hiệu ứng dây truyền từ cổ phiếu bất động sản sang ngân hàng.
"Các ngân hàng đều có cách xử lý liên quan đến tài sản đảm bảo và khoang vùng các khoản nợ. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng thắt chặt thị trường trái phiếu như Thông tư 16. Bản thân dư nợ trái phiếu tại các ngân hàng cũng đang giảm dần".
Cùng quan điểm, ông Hưng nhấn mạnh các ngân hàng chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ phát hành giữa tổ chức phát hành và trái chủ. Bên cạnh đó, quy mô của trái phiếu doanh nghiệp dù tăng nhanh nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với quy mô tín dụng của ngân hàng.