|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BSC: Gói thầu cung cấp dịch vụ tại sân bay Long Thành tạo sức bật mới cho SCSC

06:57 | 07/01/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo cập nhật gần đây của BSC cho biết, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC, Mã: SCS) có ý định tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa tại sân bay Long Thành. Nếu thành công, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho công ty trong dài hạn.

SCSC tìm cơ hội tăng trưởng mới

Ngày 5/1 vừa qua, sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công. Việc này cũng đặt dấu hỏi về hoạt động của các dịch vụ kèm theo tại sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, trong đó có CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS).

Bản báo cáo nhận định về triển vọng năm 2021 mới đây của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, phía SCSC đã có ý định tham gia đấu thầu nhằm cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa tại sân bay Long Thành.

Chứng khoán BIDV đánh giá SCSC có đủ năng lực triển khai, tuy nhiên, lo ngại cạnh tranh do CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) cũng có thể sẽ tham gia đấu thầu. 

Hiện chưa có thông tin nào về gói thầu này, thời gian đấu thầu sẽ phụ thuộc vào tiến độ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Bên cạnh đó, SCSC cũng đang trong qua trình đàm phán để thực hiện M&A với một doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa hàng không ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. 

Theo tìm hiểu, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ mặt đất, "miếng bánh" tại Sân bay Nội Bài đang được CTCP Nội bài Cargo (NCT), CTCP Logistic Hàng không (ALS) và CTCP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) chia nhau.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về công ty đang đàm phán với SCSC. Tuy nhiên, BSC đánh giá cao khả năng là ACSV do cả SCS và ACSV đều có mối liên hệ mật thiết với ACV.

Công ty chứng khoán cũng cho rằng SCSC có lợi thế lớn khi ACV đều là cổ đông của SCSC (13%) và ACSV (20%). Tuy nhiên, khó khăn hiện tại liên quan đến việc thoái vốn của ACV cần sự đồng ý của Bộ GTVT.

Các nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp SCS thực hiện M&A hay đấu thầu thành công, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho công ty trong dài hạn.

Lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng 10,5%

Năm 2020, BSC dự báo doanh thu của SCSC ước đạt 701 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu mảng khai thác nhà ga ước giảm 5,6% còn 656 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 478 tỷ đồng, giảm 4,9% so với thực hiện năm 2019.

Sang năm 2021, doanh thu của SCSC được kỳ vọng đạt 760 tỷ đồng, tăng 8,5%. Lãi sau thuế dự đạt 528 tỷ đồng, tăng 10,5% với giả định sản lượng hàng hóa phục hồi về mức năm 2019 và SCS sẽ ký hợp đồng mới dài hạn với VJC.

Theo BSC, sản lượng hàng hóa đang trên đà phục hồi tích cực sau khi tạo đáy vào tháng 4. Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa phục vụ đạt 169.658 tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm phân tích BSC cho rằng sản lượng hàng hóa sẽ duy trì đà phục hồi trong quý 4, kỳ vọng đạt 206.141 tấn trong năm 2020 nhờ nhu cầu vận tải đã quay về so với trước dịch, đồng thời các hãng hàng không tiếp tục đẩy mạnh khai thác máy bay chuyên chở hàng hóa và chuyển đổi máy bay chở hành khách sang chở hàng hóa.

Cơ hội mới mở ra với SCS nếu trúng thầu cung cấp dịch vụ tại sân bay Long Thành - Ảnh 2.

(Nguồn: SCSC, BSC Research).

Với mảng dịch vụ cho thuê sân đỗ máy bay, doanh thu mảng này giảm tới 95%, còn 0,26 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2020. BSC lưu ý hợp đồng cho ACV thuê sân đỗ máy bay trước đây đã hết hạn vào tháng 2/2020.

Hiện SCSC đã ký mới với VJC đến tháng 2/202 và kỳ vọng sẽ ký dài hạn sau đó. Trong năm 2021, doanh thu từ mảng thuê đỗ sân bay kỳ vọng đạt 10 tỷ đồng.

Thu Thảo

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.