|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) sắp nhận cổ tức 3.500 đồng/cp

13:52 | 26/07/2023
Chia sẻ
Với hơn 97,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) cần chi 341 tỷ đồng để trả cổ tức vào tháng 8.

HĐQT CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC - Mã: SCS) vừa thông qua việc trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 35% (1 cổ phiếu nhận được 3.500 đồng).

Ngày đăng ký cuối cùng là 3/8, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 2/8. Thời gian thanh toán dự kiến là 18/8. Với hơn 97,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SCS cần chi 341 tỷ đồng để trả cổ tức.

Trong đó, cổ đông lớn là CTCP Gemadept (Mã: GMD) nắm giữ 33,59% sẽ nhận 115 tỷ đồng, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) nắm giữ 13,66% nhận về 47 tỷ đồng tiền cổ tức.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông SCS đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 60% (1 cổ phiếu nhận được 6.000 đồng). Trước đó, vào tháng 12/2022, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận được 2.500 đồng).

Về tình hình kinh doanh quý II, SCS ghi nhận 172 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 18%, lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng giảm 16% so với quý II/2022 do sản lượng hàng hoá suy giảm.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 334 tỷ đồng và 242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 27%, 29% so với cùng kỳ.

Năm nay, công ty lên kế hoạch 780 tỷ đồng doanh thu, 560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với 277 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, SCS đã hoàn thành 49% mục tiêu lợi nhuận, 43% chỉ tiêu doanh thu.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của SCS đạt 1.804 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 1.168 tỷ đồng, chiếm 65% tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về gần 45 tỷ đồng tiền lãi.

Công ty không vay nợ. Vốn chủ sở hữu đạt 1.290 tỷ đồng bao gồm 266 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vào cuối quý II.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, SCS nhận định trong 10 năm tới, với nhu cầu hàng hóa trong tương lai gần, công ty vẫn đảm bảo kinh doanh tốt và sẽ là cảng vệ tinh cho kho hàng ở sân bay Long Thành.

Bên cạnh đó, với lợi thế về nguồn nhân lực, khả năng vốn tự có và huy động vốn trên thị trường chứng khoán, công ty tự tin tham gia vào dự án nhà ga hàng hóa tại sân bay Long Thành .

Theo dự kiến, sân bay Long Thành sẽ có 2 nhà ga hàng hóa với tổng công suất 1,2 triệu tấn mỗi năm so với 700 triệu tấn mỗi năm của Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN). Ngoài việc chuẩn bị đấu thầu, SCS đang tìm cách mua cổ phần của các nhà ga hàng hóa hàng không khác có thể là đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong đấu thầu.

Về phương án xây dựng toà nhà văn phòng số 2, SCS cho biết vẫn trong giai đoạn chờ phê duyệt. Theo quy định của pháp luật hiện hành, sau khi Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án, còn cần sự chấp thuận của các cơ quan chức năng có liên quan của TP HCM để dự án này được khởi công.

Việc xây dựng nhà ga thứ ba tại SGN sẽ kéo theo việc mở rộng các đường phố gần đó. Điều này sẽ mang lại cho tòa nhà văn phòng thứ hai của SCS một vị trí thuận lợi hơn và từ đó giá cho thuê sẽ cao hơn. Ngoài ra, tòa nhà có thể có diện tích cho thuê tiềm năng lớn hơn nhờ có nhiều tầng được cho phép hơn.

Lâm Anh