|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Brexit không thỏa thuận sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế Đức

21:30 | 02/10/2019
Chia sẻ
Theo dự báo của các chuyên gia tới từ 5 viện kinh tế hàng đầu, trong năm tới, tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm ở mức 0,4%.
Brexit không thỏa thuận sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế Đức - Ảnh 1.

Một người biểu tình phản đối Brexit đội mũ ủng hộ EU ở Manchester. (Nguồn: DPA)

Các chuyên gia cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Đức, vốn đang trong tình trạng trì trệ.

Theo dự báo của các chuyên gia tới từ 5 viện kinh tế hàng đầu, trong năm tới, tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm ở mức 0,4%.

Trong trường hợp ngược lại, khi quan hệ tương lai của Anh với EU có thể được làm rõ, triển vọng kinh tế Đức sẽ nhanh chóng trở nên tươi sáng.

Brexit không thỏa thuận sẽ tạo ra rào cản mới tại biên giới Anh-EU, khi cả hai bên đều cần phải đánh thuế và kiểm tra hàng hóa theo luật, trong khi hoạt động giao thương trong một số lĩnh vực có thể bị ngừng lại hoặc bị cản trở.

Sự kết hợp của những yếu tố như đồng bảng Anh mất giá, những rủi ro xung quanh các mối quan hệ kinh tế tương lai làm suy yếu đầu tư kinh doanh và tiêu dùng sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của Anh giảm.

Điều này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới các nền kinh tế sản xuất lớn nhất trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Không chỉ Đức mà cả Italy, Hà Lan cũng sẽ chịu tác động nặng nề từ Brexit không thỏa thuận, còn gọi là "Brexit cứng."

Tuy nhiên, sẽ không có sự sụp đổ nghiêm trọng nào trong phát triển kinh tế của Eurozone.

Mùa Hè vừa qua, Đức bị cho là đang trong tình trạng suy thoái kỹ thuật, khi tăng trưởng kinh tế suy giảm trong hai quý liên tiếp.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU, cũng như vấn đề Brexit là nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư bị chững lại trên toàn thế giới, từ đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất ôtô của Đức.

Sản lượng ngành công nghiệp ô tô của nước này đã giảm tới hơn 20% kể từ giữa năm 2018. Điều này phản ánh xu hướng các nhà sản xuất đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi tốn kém và phức tạp sang dòng xe chạy bằng điện và tự lái.

Mặc dù lòng tin người tiêu dùng vẫn ở mức cao và lĩnh vực dịch vụ vẫn đang có sức phục hồi tốt, song có những dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của ngành công nghiệp đang lan sang lĩnh vực này của nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Đức trong năm 2019 và 2020 sẽ lần lượt ở mức 0,5% và 1,1%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo đưa ra đầu năm nay.

Dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng ở mức 1,4% trong năm 2021. Năm ngoái, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 1,5%.

Mặc dù không có dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và chưa cần phải có gói kích thích lớn như cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ, song chuyên gia Claus Michelsen của Viện Nghiên cứu DIW tại Berlin cho rằng Chính phủ Đức đã mắc sai lầm khi duy trì chủ trương ngân sách cân bằng.

Theo ông, việc tăng tiết kiệm ngân sách trong thời kỳ suy thoái sẽ khiến các vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.