Bỗng dưng mất hơn 50 triệu đồng trong tài khoản thẻ
Tài khoản thẻ bỗng dưng mất 30 triệu đồng |
Trao đổi với VnExpress, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc ở Thái Nguyên cho biết, đang dùng thẻ ghi nợ quốc tế - Visa Debit của một ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối khoảng hơn một năm nay. Thẻ có số dư trên 53 triệu đồng.
Sáng 1/8, sau khi ngủ dậy, chị Ngọc thấy trong điện thoại có nhiều tin nhắn đến. Khi mở ra xem, chị phát hiện có 18 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền hơn 53 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 1h29 - 5h59.
Theo tin nhắn trên điện thoại mà chị Ngọc nhận được, các giao dịch trên là để thanh toán qua ví MoMo, Zion, TiKi, Payoo. "Khi kiểm tra lại tôi vẫn thấy thẻ còn trong ví và trước giờ chưa bao giờ tiết lộ thông tin thẻ cho ai", chị nói.
Hacker thường dùng các thủ đoạn giả mạo để chiếm đoạt password của người dùng dịch vụ tài chính. |
Sau khi bị mất tiền, chị Ngọc đã liên hệ ngay đến ngân hàng phát hành thẻ yêu cầu khoá tài khoản, đồng thời trình báo sự việc. Trong buổi tiếp xúc sáng 30/8, chị Ngọc được phía ngân hàng cho biết đã thực hiện gửi yêu cầu hủy giao dịch tới ngân hàng thanh toán. Tuy nhiên, chỉ có hai giao dịch hủy thành công, còn lại 16 giao dịch với tổng số tiền hơn 52,7 triệu đồng vẫn chưa lấy lại được tiền.
Phía ngân hàng cũng cho rằng, nếu lỗi phát sinh từ phía nhà băng thì sẽ bồi hoàn ngay lập tức, nhưng trong quá trình xác minh chưa thấy lỗi xuất phát từ phía của họ. Do đó, ngân hàng này đã chuyển vụ việc đến Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 Bộ Công an để phối hợp điều tra xử lý.
Trong biên bản làm việc, nhà băng này cho biết trước mắt sẽ tạm ứng cho chủ thẻ 50% giá trị thiệt hại, tương đương 26,4 triệu đồng trong thời gian sớm nhất. "Ngày hôm nay (19/10), tôi đã nhận được tiền tạm ứng của ngân hàng", chị Ngọc cho biết.
Trao đổi với VnExpress, đại diện nhà băng trên cho rằng tội phạm công nghệ cao đang bùng phát và đưa ra khuyến cáo, để hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ, khách hàng cần giữ gìn thẻ, bí mật số Pin, không cho người khác mượn, sử dụng, phải cẩn trọng khi giao dịch trên các trang website, cũng như kịp thời liên hệ ngay với Trung tâm chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ kịp thời.
Thời gian gần đây, những thông tin cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tiền qua các dịch vụ ngân hàng điện tử cũng được nhiều nhà băng phát đi. Thông báo của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) hôm nay tiếp tục cho biết, nhà băng này đã phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tiền rất tinh vi bằng cách giả mạo kênh thanh toán Western Union.
Thủ đoạn của kẻ gian thường là gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng đến điện thoại của khách hàng với nội dung như "khách hàng đã nhận được tiền từ dịch vụ chuyển tiền Western Union" hoặc các dịch vụ tương tự, sau đó yêu cầu khách hàng đăng nhập vào website giả mạo để xác nhận. Thông qua cách lừa đảo này, kẻ gian sẽ lấy cắp được mật khẩu, mã OTP khi khách hàng đăng nhập và cung cấp thông tin tại website giả mạo.
Trong khi đó một ngân hàng khác là Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng cảnh báo các hình thức giả mạo đang phổ biến, như giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội hay gửi email giả mạo ngân hàng tới khách hàng... Các hành vi giả mạo này cùng một mục đích duy nhất là yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật cá nhân và mã OTP để nhận tiền, nhận khuyến mãi, quà tặng trúng thưởng...
Trước Techcombank, Maritime Bank, nhiều ngân hàng khác trong hệ thống như VPBank, Vietcombank, VietinBank... cũng liên tục phát đi những cảnh báo về chiêu lừa đảo tiền của tội phạm mạng. Các ngân hàng đề nghị khách hàng phải giữ bí mật tuyệt đối mã OTP, không cung cấp cho ai kể cả ngân hàng trong bất kỳ trường hợp nào.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhìn nhận thủ đoạn phạm tội của đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, trong khi các nhà băng còn sử dụng không ít công nghệ thẻ và ngân hàng điện tử kém bảo mật. Song song đó, nhiều khách hàng chưa có ý thức giữ gìn các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng đã khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” của tội phạm công nghệ cao.
Do đó, theo ông, bên cạnh việc ngân hàng phải gia tăng bảo mật thì phía khách hàng cũng phải nhận thức rõ hơn các khả năng bị lừa đảo để tránh bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình tội phạm mạng ngày càng gia tăng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2018 về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của các ngân hàng. Theo đó, những thông tin như mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập... của người sử dụng dịch vụ ngân hàng phải được các nhà băng bảo mật, không được cung cấp cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Trường hợp cung cấp phải được sự chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc hình thức thỏa thuận khác, song phải tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các quy định pháp luật liên quan.
Chị Ngọc cho rằng, sự cố mất tiền là nằm ngoài mong muốn của người dùng thẻ lẫn ngân hàng. Điều chị cũng như những khách hàng mất tiền khác quan tâm nhất là động thái xử lý từ phía ngân hàng có nhanh chóng, kịp thời và chuyên nghiệp hay không mới quan trọng.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/