Bóng dáng của VietABank đằng sau những chuyển động mới từ Chứng khoán Quốc gia
Vào tháng 7, CTCP Chứng khoán Quốc Gia (NSI) "về chung nhà" với Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) khi chuyển trụ sở về cùng nơi với trụ sở chính của ngân hàng tại toà Samsora Premier số 105 Chu Văn An, phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội.
Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về việc VietABank có thể mở rộng thêm hoạt động ở mảng chứng khoán khi đây là xu hướng mà nhiều nhà băng đang thực hiện.
Mới đây nhất, Chứng khoán Quốc gia công bố kế hoạch tăng vốn khủng từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, gấp 3,3 lần. Phương án được cổ đông thông qua là phát hành 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong năm 2021.
Đáng chú ý, VietABank xuất hiện trong phương án chào bán với vai trò là một trong những người mua cổ phiếu lẻ, cổ phiếu cổ đông từ chối mua. Trong trường hợp đó, cổ đông sẽ uỷ quyền cho HĐQT chào bán cho VietABank và các đối tượng khác.
Số cổ phiếu lẻ, cổ phiếu do cổ đông từ chối thực hiện quyền mua sau khi chào bán cho các nhà đầu tư khác sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Tuỳ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư, cổ đông thông qua việc lựa chọn VietABank là nhà đầu tư được mua cổ phiếu lẻ, cổ phiếu cổ đông hiện hữu từ chối mua vượt các tỷ lệ được quy định như từ 10% vốn trở lên và/hoặc từ 25% hoặc vượt các mức 35%, 45%, 55%, 65% hoặc 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết trở lên mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai.
Cổ phiếu lẻ, cổ phiếu cổ đông hiện hữu từ chối mua sau khi chào bán cho VietABank, số còn lại sẽ ủy quyền tiếp cho HĐQT đàm phán và phân phối cho các nhà đầu tư khác.
Trước đó, vào hồi tháng 4, thông qua việc phát hành 60 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 70 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, công ty đã tăng vốn từ 170 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Trong đợt tăng vốn này, NSI đã có thêm một cổ đông lớn là Công ty TNHH Cappella Group, được thành lập vào tháng 7/2015 bởi ông Phương Hữu Việt (Cựu Chủ tịch VietABank), công ty hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính.
Đây là đợt tăng vốn thứ ba của NSI kể từ khi thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng với 4 cổ đông lớn là ông Nguyễn Chí Thành (65% vốn), Công ty TNHH Thương mại Ánh sáng (20%), ông Nguyễn Chí Dũng (10%) và Nguyễn Hoàn Thành (5%).
Lần tăng vốn thứ hai từ 50 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng được thực hiện vào năm 2013 sau khi công ty được "đổi chủ" với ông Trần Việt Anh (cháu của ông Phương Hữu Việt) nắm giữ 90% vốn điều lệ.
Theo báo cáo quản trị của NSI vào cuối tháng 6/2021, công ty có 4 cổ đông lớn là ông Trần Việt Anh, ông Nguyễn Đình Thọ, bà Nguyễn Thị Thu Hương và Capella Group.
Ông Trần Việt Anh hiện đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đất Xanh Group và thành viên HĐQT của CTCP Công viên nước Đầm Sen, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp – Thương mại Củ Chi.
Quay trở lại với Capella Group, tuy là người sáng lập và chủ tịch đời đầu của Tập đoàn nhưng tới tháng 4/2018, ông Việt đã nhượng lại số cổ phần cho hai cổ đông cá nhân là Nguyễn Vĩnh Huy (tỷ lệ 98%) và Nguyễn Thu Hằng (tỷ lệ 2%).
Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sở hữu, bà Hằng đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 40%, 60% còn lại được sở hữu bởi một cá nhân khác là ông Phương Minh Tuấn (tại thời điểm 6/4/2021).
Sau khi từ chức Chủ tịch VietABank vì lý do cá nhân, ông Phương Hữu Việt vẫn là thành viên HĐQT của ngân hàng và ông Phương Thành Long (cháu ông Việt) đã được bầu thay thế. Trước đó, từ năm 2020 tới tháng 5/2021, ông Long từng là thành viên HĐQT của Chứng khoán Quốc Gia.
Bên cạnh đó, ông Cù Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VietABank, cũng có trong hội đồng quản trị của Chứng khoán Quốc Gia và đã nắm giữ chức vụ này từ cuối tháng 6 năm ngoái.
Ngoài ra, trong bản công bố thông tin trước khi VietABank đưa cổ phiếu VAB lên thị trường UPCoM hồi tháng 7, cái tên Chứng khoán Quốc gia cũng xuất hiện tại cuối mỗi trang, khiến nhiều người có thể đoán được công ty chứng khoán này là đơn vị tư vấn IPO cho ngân hàng.
Chứng khoán Quốc gia và VietABank đang kinh doanh ra sao?
Trong 5 năm trở lại, kết quả kinh doanh của Chứng khoán Quốc gia có phần không ổn định. Năm 2019, sau khi đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL), cùng với chi phí lãi vay tăng gấp gần 5 lần, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Quốc gia năm 2019 đã giảm mạnh xuống còn hơn 600 triệu đồng.
Dù vậy, sau khoảng thời gian này, tình hình kinh doanh đã khởi sắc trở lại, lợi nhuận lập đỉnh mới. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Chứng khoán Quốc gia đã lãi hơn 39 tỷ đồng, vượt con số lợi nhuận của cả năm ngoái (30 tỷ đồng).
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của Chứng khoán Quốc Gia đạt hơn 518 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với thời điểm đầu năm; nợ phải trả ở mức 167 tỷ đồng, tăng 57,5%).
Các tài sản tài chính lớn của công ty này bao gồm cổ phiếu DVN của Dược Việt Nam, DSN của Công viên nước Đầm Sen, DXG của Tập đoàn Đất Xanh,...
Còn với VietABank, giai đoạn 2017 - 2020, lợi nhuận trước thuế đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 50%/năm, từ mức 122 tỷ đồng năm 2017 lên 407 tỷ đồng năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, VietABank báo lãi 522 tỷ đồng trước thuế, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu nhập chính của VietABank trong những năm gần đây vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thu nhập lãi cho vay trung bình mỗi năm vẫn chiếm khoảng 85%. Kế sau đó là các khoản thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ với tỷ lệ đóng góp mỗi năm từ 10 - 12%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của VietABank đã giảm 3,3% xuống còn 83.677 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự sụt giảm chủ yếu cho ngân hàng đã bán bớt chứng khoán đầu tư. Dư nợ cho vay khách hàng vẫn đạt mức tăng trưởng 7,8% lên 52.173 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng cũng đạt mức tăng trưởng tương đương.
Về chất lượng cho vay, tỷ lệ nợ xấu của VietABank đã có sự cải thiện khi giảm từ mức 2,3% hồi đầu năm xuống còn 1,99% tính đến cuối quý III.