|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Bong bóng’ ô tô điện: Khi cung đã vượt cầu

16:10 | 28/08/2023
Chia sẻ
Tờ WSJ đưa tin bong bóng xe điện đang sụp đổ tại Trung Quốc là bài học cho các quốc gia về chính sách phát triển công nghiệp, trong đó có Mỹ.

Mới đây, Tesla tiếp tục giảm giá bán ô tô điện tại Trung Quốc để thúc đẩy doanh số bán hàng trên một thị trường đã bão hoà. Dù trước đó tháng 7, Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác ở Trung Quốc đã đồng ý dừng cuộc chiến giá xe điện, theo WSJ.

Trong khi giá xe điện rẻ hơn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thì các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lại đang tiến gần hơn tới bờ vực phá sản khi theo đuổi chính sách này.

Trong thập kỷ qua, rất nhiều công ty khởi nghiệp ô tô điện đã được thành lập tại Trung Quốc. Điều này được thúc đẩy bởi các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, gồm các ưu đãi dành cho người mua và tài trợ trực tiếp. Các nhà sản xuất ô tô ra mắt xe điện để hút trợ cấp.

Thậm chí, tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande Group cũng đã thành lập một công ty sản xuất ô tô điện. Hiện tại, tình hình tài chính của công ty này cũng không còn được khả quan.

Trong vài năm qua, khoảng 400 nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đã thất bại khi Bắc Kinh giảm trợ cấp trong khi vẫn yêu cầu tăng cường sản xuất. Các bãi phế liệu khắp Trung Quốc tràn ngập những chiếc ô tô điện có công nghệ lỗi thời, phảng phất dáng dấp của các dự án phát triển nhà ở bị bỏ hoang do chính phủ đầu tư tạo ra.

 Mẫu ô tô điện được phát triển tại Trung Quốc. (Ảnh: BBC).

Để giảm bớt các vấn đề trong ngành, gần đây Bắc Kinh đã gia hạn miễn thuế bán hàng đối với ô tô điện. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô đang phải giảm giá để bán được những chiếc xe mà họ được yêu cầu sản xuất. Điều này khiến lợi nhuận suy giảm.

Quy định trong chính sách phát triển ô tô điện của Trung Quốc tương tự như ở Mỹ, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vào các biện pháp “o ép” các nhà sản xuất ô tô chạy nhiên liệu hoá thạch truyền thống đến từ phương Tây.

Trong tháng 8, công ty liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc đã công bố khoản ưu đãi lên tới 8.200 USD cho mẫu xe điện ID.6X mới của mình. Trong khi các đại lý GM Chevrolet tại Trung Quốc đang giảm giá các mẫu ô tô điện tới 25%.

Mặc dù xe điện hiện chiếm 1/3 doanh số bán ô tô mới ở Trung Quốc nhưng nguồn cung đã vượt xa cầu. Khoảng cách này có thể tăng lên khi mức tiêu dùng của người dân Trung Quốc suy yếu.

Tương tự bất động sản, Bắc Kinh đã hỗ trợ đầu tư nhiều vào xe điện và theo WSJ, phân bổ vốn sai lầm này đáng lẽ ra có thể được sử dụng vào mục đích hiệu quả hơn. Đây có thể là điềm báo cho chính quyền ông Biden khi đang mô phỏng chính sách công nghiệp xe điện của Trung Quốc.

Theo Cox Automotive, trong tháng này, lượng tồn kho xe điện tại Mỹ đã tăng lên 103 ngày, gấp đôi so với ô tô chạy xăng. Các nhà sản xuất và đại lý ô tô đang giảm giá xe điện để giảm bớt áp lực nguồn cung ngày càng tăng cao.

Tại Mỹ, giá xe điện trung bình mà người dùng phải trả đã giảm 20% so với một năm trước, xuống còn 53.438 USD do việc Tesla giảm giá và ưu đãi của các đại lý.

Ford gần đây đã giảm mục tiêu sản xuất xe điện khi công ty đang thua lỗ và lượng hàng tồn kho chưa bán được ngày càng tăng. Tại thời điểm cuối tháng 6, hãng có 116 ngày tồn kho của mẫu Mustang Mach-E chưa bán được. Tương tự, GM có hơn 100 ngày tồn kho của mẫu xe điện Hummer, bất chấp việc thị trường ô tô điện đang phát triển.

CEO United Auto Workers cho biết trong bối cảnh này, các nhà sản xuất ô tô truyền thống sẽ phải tăng giá ô tô chạy bằng xăng để bù đắp tổn thất về xe điện. 

Stellantis đang xem xét chuyển hoạt động sản xuất xe tải điện Ram 1500 từ ngoại thành Detroit sang Mexico, để giảm chi phí. Các công ty khởi nghiệp ô tô điện khác cũng đang gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao và gặp khó trong việc mở rộng quy mô sản xuất. 

Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp về xe điện đang gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao và họ gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Trong tháng 6, Lordstown đã nộp đơn xin phá sản, trong khi Nikola đã cảnh báo về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh.

Đức Huy (theo The Wall Street Journal)

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.