'Bong bóng AI' đang phình to?
Đầu năm nay, ngân hàng đầu tư UBS đã đưa ra một báo cáo báo về chatbot ChatGPT của OpenAI, cho biết ứng dụng này đang trên đà đạt 100 triệu người dùng chỉ ba tháng sau khi được ra mắt chính thức, theo Washington Post.
Báo cáo này đã “châm ngòi” cho một cơn sốt AI bao trùm cả Thung lũng Silicon trong nhiều tháng sau đó, khiến các ông lớn như Google và Microsoft đua tranh để tung ra các chatbot của riêng họ.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỷ USD vào nhiều công ty khởi nghiệp AI. Nhiều CEO của các doanh nghiệp công nghệ cũng coi AI là một trong những động lực tăng trưởng chính tiếp theo.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào và khi nào AI sẽ thực sự mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Hiện đã có một số báo cáo chỉ ra rằng lượng người dùng ChatGPT đang giảm. Ngoài ra, “AI thế hệ mới” cũng tốn rất nhiều chi phí để xây dựng và vận hành.
Alice Deng, đồng sáng lập startup thanh toán Slope cho biết: “Các công ty đang đua nhau bổ sung AI vào danh mục hoạt động nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư. Điều này có thể khiến “bong bóng AI” phình to và sẽ nổ bất cứ lúc nào. Tới lúc đó, sẽ không còn ai quan tâm tới AI nữa”.
Thung lũng Silicon đã chứng kiến nhiều chu kỳ công nghệ hình thành, phát triển và dừng lại trong nhiều thập kỷ. Từ bong bóng dot-com, xe tự hành cho tới tiền điện tử, hàng chục tỷ USD đã được đổ vào các lĩnh vực này.
Thậm chí, trước khi bùng nổ vào năm 2023, một làn sóng đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực AI từng diễn ra vào những năm 2010, khi thế giới chứng kiến những bước đột phá khoa học về nhận dạng hình ảnh, dịch thuật,…
Mặt trái từ sự phát triển của chatbot AI
Tuy nhiên, sự phát triển của AI cũng có nhiều mặt trái. Một trong những vấn đề mà các chuyên gia nghiên cứu AI cho biết có thể không khắc phục được chính là tình trạng truyền bá thông tin sai lệch của các chatbot.
Nhiều công ty AI cũng đã bị các nghệ sĩ, nhà làm phim và nhạc sĩ chỉ trích vì sử dụng các tác phẩm có bản quyền của họ để đào tạo các mô hình AI mà không được cho phép.
Trước đây, các doanh nghiệp tập trung vào người tiêu dùng thông qua mạng xã hội hoặc thương mại điện tử vì chi phí rẻ. Trong khi đó, việc vận hành các chatbot AI gây tốn kém hơn, qua đó khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận và sử dụng một cách rộng rãi.
Andrew Harrison, CEO quỹ đầu tư mạo hiểm Section 32, cho biết: “Suy cho cùng, AI chỉ là phần mềm, nhưng nó là phần mềm đắt tiền. Đó là phần mềm có lợi nhuận thấp, trừ khi nó làm được điều gì đó tốt hơn gấp 10 lần so với các phền mềm khác”.
Các CEO công nghệ vẫn quan tâm tới AI
Trong một cuộc họp với các nhà đầu tư gần đây, CEO Google Sundar Pichai cho biết số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây của công ty đăng ký sử dụng các thêm mô hình AI tổng quát có sẵn trên nền tảng của họ đã tăng 15 lần trong quý II, nhưng không cung cấp số liệu cụ thể.
Năm 2018, ông Pichai từng nói rằng AI sẽ có tác động “sâu sắc” hơn đối với xã hội loài người so với việc phát hiện ra lửa. Ông Pichai đã nhiều lần nói AI là một cơ hội kinh doanh lớn đối với Google và ông đang nghiên cứu để đưa nó vào tất cả các dòng sản phẩm của công ty.
Microsoft, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào OpenAI, cho biết AI tổng hợp giờ đây đã có vị thế mới. Hơn 11.000 công ty đã sử dụng các công cụ của Microsoft có tích hợp công nghệ AI do OpenAI đứng sau.
Tuần trước, CEO Amazon Andy Jassy đã đưa ra một lưu ý trong cuộc họp công bố báo cáo tài chính quý II. Cho đến nay, Amazon chủ yếu dựa vào nhà cung cấp dịch vụ đám mây của mình, Amazon Web Services, để thâm nhập vào AI tổng hợp.
“Theo ý kiến của tôi, chúng tôi đang tiến vài bước vào một cuộc đua marathon. Tôi nghĩ AI sẽ biến đổi hầu như mọi trải nghiệm của khách hàng mà chúng tôi từng biết. Tôi cho rằng đa số công ty đều muốn tiếp cận với AI”, ông Andy Jassy nói.
Trước đó, vào tháng 5, CEO Appe Tim Cook đã nói rằng “có một số vấn đề cần được giải quyết” khi nói đến công nghệ. Tuy nhiên, trong cuộc họp công bố báo cáo tài chính quý II, Tim Cook đã khẳng định lại rằng Apple đang nghiêm túc nghiên cứu AI và AI “không thể thiếu đối với hầu hết mọi sản phẩm mà Apple xây dựng”.