|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Bom hạt nhân tài chính' trị giá 3.200 tỷ USD của Trung Quốc khiến Phương Tây phải e dè

15:29 | 05/05/2022
Chia sẻ
Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga đã khiến Trung Quốc lo ngại trở mình trở thành mục tiêu tiếp theo nếu hỗ trợ Moscow hoặc tấn công đảo Đài Loan. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nắm trong tay "bom hạt nhân tài chính" trị giá 3.200 tỷ USD để răn đe Phương Tây.

Theo SCMP, trước đây, Washington chưa từng tính đến chuyện trừng phạt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng các biện pháp như cấm sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT và đóng băng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Phương Tây sử dụng những biện pháp trên chống lại Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phạm vi và tốc độ áp dụng các lệnh trừng phạt đã cho Bắc Kinh thấy rõ những gì họ có thể phải đối mặt nếu hỗ trợ Moscow hoặc cố gắng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực.

Trung Quốc có nền kinh tế lớn gấp 10 lần Nga và gắn bó chặt chẽ hơn với phần còn lại của thế giới. Bắc Kinh phụ thuộc nhiều vào ngoại thương và có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trị giá 3.250 tỷ USD. Phần lớn trong số ngoại hối này nằm ở Mỹ và Châu Âu.

Một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh cho biết: “Một khi bị trừng phạt, Trung Quốc sẽ bị tổn thương nhiều hơn so với Nga”.

 

Mặt khác, Trung Quốc đã tạo dựng được một chỗ đứng vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí là bất khả thi, để hơn 120 quốc gia và khu vực, kể cả Mỹ, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc.

Nguy cơ: Ukraine, Đài Loan và sự mập mờ

Hơn hai tháng sau cuộc xung đột Ukraine, Bắc Kinh ngày càng trở nên khó khăn trong việc tách mình ra khỏi tình hình căng thẳng. Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình, thì việc Bắc Kinh nhất quyết duy trì lập trường trung lập đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và các đồng minh.

Để kích hoạt các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc, lằn ranh đỏ được Mỹ vạch ra là việc cung cấp vũ khí cho Nga. Washington đã mập mờ trong cách diễn đạt về ranh giới này và nói rằng sẽ có “hậu quả” nếu Bắc Kinh đưa ra “hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến của Nga”.

Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh nói: “Mỹ rất mơ hồ. Trung Quốc cũng muốn biết rõ mình sẽ bị trừng phạt trong những trường hợp cụ thể nào”.

Theo Giáo sư Thời Ân Hoằng của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc cùng các ngân hàng quốc doanh và doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với Nga đã áp dụng cách tiếp cận rất thận trọng kể từ khi xung đột bắt đầu.

“Thái độ như vậy của Phương Tây [đối với Nga] có lẽ đã được Bắc Kinh lường trước. Vì vậy để bảo vệ tài sản của mình, tôi nghĩ cho đến nay, Trung Quốc đã hành động rất thận trọng”, ông Thời nói.

Các nguồn tin nói với SCMP rằng nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, bao gồm ngân hàng, công ty dầu mỏ và công ty bán dẫn, đã tìm kiếm lời khuyên về việc có nên tiếp tục giao thương với Nga kể từ khi xung đột bắt đầu hay không.

Ông Wang Huiyao, người sáng lập CCG, đồng thời là Cố vấn của Hội đồng Nhà nước, cho biết, miễn là Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga, sẽ không có các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Trung Quốc. Ông Wang nói: “Trung Quốc đang tiến hành thương mại bình thường với Nga, và EU cũng vậy”. 

Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang tăng cường các biện pháp chống lại Nga như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc, cho thấy rằng điều tương tự sẽ diễn ra nếu một ngày nào đó Trung Quốc cố gắng chiếm đảo Đài Loan bằng vũ lực.

Một quan chức Mỹ nói với tờ SCMP rằng bất kỳ ai nghĩ Mỹ sẽ hạn chế các đòn trả đũa kinh tế mạnh mẽ tương tự nếu Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan đều chưa hiểu đúng việc Washington đã thay đổi quan điểm nhanh đến mức nào kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.

Bắc Kinh coi đảo Đài Loan là một tỉnh ly khai cần được thống nhất với đất liền bằng vũ lực nếu cần thiết. Căng thẳng đã gia tăng trong những năm gần đây khi Washington chuyển hướng khỏi chính sách Một Trung Quốc, vốn là nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ trong 4 thập kỷ.

Tuy nhiên, một số cố vấn của chính phủ Trung Quốc đã gợi ý rằng Bắc Kinh có thể không vội vàng chiếm Đài Loan bằng vũ lực. “Mặc dù có những căng thẳng thường xuyên về vấn đề Đài Loan, nhưng khuôn khổ cơ bản là khá ổn định”, Giáo sư Thời Ân Hoằng nói. “Theo chúng tôi, sẽ không có xung đột Trung-Mỹ thực sự về vấn đề Đài Loan".

“Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận sự độc lập của Đài Loan cũng như sự kiểm soát từ nước ngoài đối với Đài Loan, và Mỹ hiểu rất rõ điều đó. Vì vậy, [Bắc Kinh và Washington] đã hiểu rõ về lằn ranh đỏ của nhau”.

Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất 

Kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, Mỹ và các đồng minh Phương Tây đã nhanh chóng loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nhưng việc cấm vận Nga cho đến nay vẫn còn nhiều khe hở bởi dòng chảy năng lượng vẫn được phép tiếp diễn.

Ông Shahin Vallee, người đứng đầu Chương trình Địa kinh tế thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: “Hệ thống thanh toán quốc tế chỉ là chiều ngược lại của chuỗi cung ứng toàn cầu”.

“Không thể loại bỏ Moscow khỏi hệ thống thanh toán quốc tế trừ khi Phương Tây sẵn sàng đưa Nga ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc trong trường hợp này là ngừng cung cấp năng lượng cho Châu Âu”.

Sức mạnh lớn nhất của Bắc Kinh nằm ở việc quốc gia này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu các biện pháp cấm vận được áp dụng với Trung Quốc, thì các đồng minh của Mỹ ít có khả năng làm theo.

Tuy nhiên, theo các cựu quan chức chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng Trung Quốc không bị loại khỏi SWIFT. Vẫn còn một chặng đường dài để đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt được vị thế quốc tế tương tự như với USD hoặc EUR.

Trong khi đó, việc Phương Tây đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga nắm giữ ở nước ngoài đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh, vì Trung Quốc có tài sản dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, hầu hết bằng USD. Tổng dự trữ được duy trì ở mức khoảng 3.200 tỷ USD kể từ năm 2020, cao hơn gấp đôi so với nước nắm giữ lớn thứ hai là Nhật Bản. 

 

"Trung Quốc phải rất vất vả mới kiếm được kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, và chúng là ‘quả bom hạt nhân tài chính’ của Trung Quốc với khả năng răn đe mạnh mẽ”, ông Wang Yongli, cựu thành viên hội đồng quản trị SWIFT nói. “Vũ khí tài chính này phải được sử dụng đúng cách chứ không phải tùy tiện, và không thể dễ dàng bị tước đi".

“Tất nhiên, không loại trừ việc Trung Quốc tăng cường mua vàng hoặc các nguyên liệu chiến lược khác, hay điều chỉnh thành phần tiền tệ trong dự trữ ngoại hối, để giảm hơn nữa dự trữ USD của mình”, ông Wang nói thêm.

Trên thực tế, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa tài sản dự trữ ngoại hối của mình trong hai thập kỷ qua, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước.

Năm 1995, tỷ lệ tài sản dự trữ bằng USD của Trung Quốc đạt 79% - cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc tế là 59%. Tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 60% từ năm 2014 đến năm 2016, thấp hơn mức trung bình thế giới là hơn 65%.

 

Theo các cố vấn chính phủ, một biện pháp đối phó mà Trung Quốc có thể áp dụng là tăng cường mở cửa kinh tế và tài chính với thế giới bên ngoài, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều tài sản của Trung Quốc hơn.

Ông Dan Wang, một nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics, cho biết Bắc Kinh đang cố gắng hết sức để giảm thiểu mọi thiệt hại vật chất từ các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Nga, do sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường nước ngoài cũng như các công nghệ quan trọng như thiết bị bán dẫn, lương thực và hàng không.

Ông Dan Wang nói: “Các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp đang được tiến hành, nhưng Trung Quốc khó có thể tự giải phóng mình trong thập kỷ hiện tại”.

Ông Tần Cương, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã viết trên tờ The National Interest vào ngày 18/4, cho rằng: “Mối quan hệ Nga-Mỹ xấu đi không có nghĩa là mối quan hệ Trung-Mỹ tốt hơn. Và tương tự như vậy, mối quan hệ Nga-Trung xấu đi không có nghĩa là mối quan hệ Nga-Mỹ tốt hơn”.

“Quan trọng hơn, mối quan hệ Trung-Mỹ bị xáo trộn sẽ không có lợi cho mối quan hệ Nga-Mỹ hoặc thế giới.”

Minh Quang