Bồi thường đất làm dự án: Không phải mọi người dân đều đủ năng lực đàm phán sòng phẳng với chủ đầu tư
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề Sửa Luật đất đai: Tạo đất cho du lịch do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 19/10, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết du lịch Việt Nam là ngành mũi nhọn có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành du lịch hiện nay đang gặp vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch.
Theo Tổng cục Du lịch, thu từ du lịch năm 2022 đạt 495.000 tỷ đồng, tương đương 5,2% GDP hiện hành. Kết quả trên thấp hơn so với mức của năm 2019 trước dịch bệnh khi doanh thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP hiện hành.
Trong đó, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập. Mặc dù pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, song còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này.
Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, hình thức đấu giá quyền sử dụng đất lại phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và khả năng thỏa thuận đền bủ giải phóng mặt bằng dự án (cần thỏa thuận đền bù với 100% số hộ dân). Đây là một trong những vướng mắc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại.
Đối với lĩnh vực du lịch, đất đai là nguồn lực quan trọng để thu hút nguồn vốn xã hội (trong và ngoài nước) do muốn phát triển đồng bộ, bền vững các dự án đầu tư khu du lịch cần số vốn đầu tư lớn, quỹ đất phát triển tương xứng cùng với thời gian đầu tư và vận hành dài hạn.
Việc không quy định lĩnh vực du lịch thuộc các trường hợp thu hồi đất như trên có thể khiến việc tìm kiếm các nguồn quỹ đất cho các dự án du lịch quy mô lớn có thể tiếp tục gặp khó khăn, trở thành rào cản phát triển.
Đề xuất xếp các dự án du lịch vào diện phải thu hồi đất
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, trường hợp tự thoả thuận, người dân sẽ được quyền đàm phán ngang hàng với chủ đầu tư về mức bồi thường, không phải mọi người dân đều có đủ năng lực đàm phán sòng phẳng với chủ đầu tư.
Từ trước đến nay, việc thoả thuận thu hồi đất chủ yếu là nhà đầu tư làm việc với một người đại diện cho cư dân, sau đó nhà đầu tư chỉ cần trả một số tiền, không quan tâm về việc người dân có nhà cửa, trường học hay không...
Không thiếu những câu chuyện người dân bỗng dưng có một cục tiền trên trời rơi xuống, dẫn đến khủng hoảng cuộc sống. Mấu chốt vấn đề theo chuyên gia là cần so sánh nếu xây dựng tốt chính sách về hỗ trợ bồi thường tái định cư với việc để nhà đầu tư và người dân tự thoả thuận thì cái nào tốt cho người dân hơn.
Theo quan điểm của chuyên gia, các dự án du lịch nên thuộc diện bắt buộc phải thu hồi đất gắn liền với bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
"Đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được do chúng ta áp khung giá đất, bảng giá đất (phải nằm trong khung giá đất) vốn lạc hậu với thị trường. Điều này dẫn đến người dân bị thu hồi đất với giá bồi thường không đúng với mức độ thiệt hại", chuyên gia nói.