Boeing hiện 'quá lớn không thể để sụp đổ'
Máy bay Boeing 737 MAX. Ảnh: THX/TTXVN
Bốn tháng trôi qua kể từ khi “đại gia” nước Mỹ Boeing vướng vào bê bối liên quan đến hai vụ tai nạn thảm khốc của các hãng hàng không Lion Air và Ethiopian Airlines khi đang vận hành dòng máy bay được cho là bán chạy nhất mọi thời đại của hãng: Boeing 737 MAX.
Vụ tai nạn đã khiến hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới điêu đứng khi phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế, đặc biệt là sau khi các kết luận sơ bộ đều cho thấy lỗi phần mềm trong máy bay là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn.
Tuy nhiên, trong nội bộ nước Mỹ, Boeing dường như vẫn được giới truyền thông và giới chức ưu ái, bởi vì với quy mô và tầm ảnh hưởng kinh tế - chính trị quá lớn của mình, Boeing hiện là “quá lớn không thể để sụp đổ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng chỉ trích Boeing vì đã đưa ra mức giá quá cao cho chiếc chuyên cơ Tổng thống Air Force One, đã gần như im lặng về những diễn biến tai ương gần đây có liên quan đến “đại gia” này.
Trong khi đó, làn sóng chỉ trích tiêu cực của báo chí về những sai sót làm 346 thiệt mạng đã không thể khiến các nhà lập pháp triệu tập Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg ra điều trần trước Quốc hội như cách mà họ đã làm với các “ông lớn” ngân hàng tại Phố Wall vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Michel Merluzeau, một chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu Air Insight Research, cho biết: "Boeing là một trong những động lực của kinh tế Mỹ. Họ quá lớn và quá quan trọng đối với nền kinh tế này".
Theo chuyên gia Merluzeau, nếu giới chính trị Mỹ tấn công Boeing, họ sẽ tự bắn vào chân mình vì Boeing hiện đang “sở hữu rất nhiều việc làm cùng một chuỗi cung ứng rất rộng lớn và những yếu tố này không thể được thay thế bởi Facebook hay Google, những công ty không sản xuất bất cứ sản phẩm hữu hình nào”.
Được thành lập 103 năm trước, Boeing đã tạo ra việc làm cho hơn 150.000 người trên khắp thế giới, phần lớn trong đó là ở Mỹ.
Bên cạnh việc tạo ra những việc làm trực tiếp, các nhà thầu phụ của Boeing - như General Electric (GE), United Technologies và Spirit Aerystems – cũng là những nhà tuyển dụng công nghiệp lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một điểm đặc biệt đó là vị trí đặt các nhà máy của Boeing giống như một bản đồ chính trị, với những cơ sở ở các “thành trì” của đảng Cộng hòa như Alabama, Nam Carolina và Texas, và các khu vực của đảng Dân chủ như California và Washington, cũng như ở những bang đã giúp Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 là Pennsylvania và Arizona.
Tầm ảnh hưởng chính trị của Boeing còn được thể hiện ở một Hội đồng quản trị quyền lực, với sự góp mặt của Nikki Haley - cựu Thống đốc bang Nam Carolina, đồng thời là cựu Đại sứ của Tổng thống Trump tại Liên hợp quốc, cùng với Caroline Kennedy - đồng minh của cựu Tổng thống Barack Obama và con gái của cựu Tổng thống John F. Kennedy.
Về vị thế trong nền công nghiệp Mỹ, Boeing không chỉ thống trị lĩnh vực hàng không dân sự mà còn là một nhân tố quan trọng trong các ngành công nghiệp quốc phòng và vũ trụ, đồng thời là nhà cung cấp chính cho Lầu Năm Góc. Hãng này là đơn vị đã sản xuất máy bay ném bom B-17 và B-29 nổi tiếng trong Thế chiến II và B-52.
Ngày nay, Boeing sản xuất nhiều loại máy bay bao gồm máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet, máy bay trực thăng tấn công Apache, máy bay ném bom B-1 và máy bay không người lái. Ngoài ra, “đại gia” hàng không nước Mỹ còn được biết đến là nhà sản xuất chiếc chuyên cơ Tổng thống biểu tượng của nước Mỹ Air Force One.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng Boeing còn có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược, ví dụ việc Trung Quốc gần đây đẩy mạnh mua máy bay Boeing có thể là một phần nội dung đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, xuất khẩu máy bay dân sự của Mỹ đã giảm 12% xuống còn 20,4 tỷ USD trong tháng 5/2019 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng của dòng máy bay Boeing 737 MAX - nhân tố tác động tới Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.