|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Y tế nói gì về việc WHO không chấp thuận kit test của Công ty Việt Á?

21:54 | 20/12/2021
Chia sẻ
Bộ Y tế cho biết WHO đưa ra danh sách EUL về một số sản phẩm để các đơn vị của WHO tham khảo và mua sắm khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch, chứ không liên quan đến chất lượng hay tiêu chuẩn cấp phép.

Ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO thẩm định bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận.

WHO kết luận: Bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit với mã sản phẩm VA.A02-055H, sản xuất bởi Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, địa chỉ 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO.

Về việc WHO không chấp nhận kit test của Công ty Việt Á, theo báo Thanh niên, Bộ Y tế chiều nay 20/12, cho biết: “WHO đưa ra danh sách EUL về một số sản phẩm để các đơn vị của WHO tham khảo và mua sắm khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch, chứ không liên quan đến chất lượng hay tiêu chuẩn cấp phép”.

Theo Bộ Y tế, sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, bao gồm kit test chẩn đoán từ ngày 1/1/2020, phải đạt tiêu chuẩn ISO 13485. Theo đó, Công ty Việt Á đã đạt tiêu chuẩn này khi sản xuất kit test xét nghiệm COVID-19.

Như vậy, có thể thấy, sản phẩm kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á đạt tiêu chuẩn trong nước nhưng không đạt tiêu chuẩn và được WHO chấp nhận. 

Liên quan đến sản phẩm kit test này, vào thời điểm tháng 4/2020,  trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) nhiều lần đưa tin WHO đã chấp nhận, tuy nhiên đến nay tất cả đã không còn truy cập được.

Bộ Y tế nói gì về việc WHO không chấp thuận kit test của Công ty Việt Á? - Ảnh 1.

Thông tin "WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình Danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00" đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH-CN ngày 26/4/2020.

Chia sẻ trên báo Người lao động, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH-CN, thừa nhận Bộ đã chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á.

"WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ KH-CN"- ông nói.

Ngày 17/12, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đã khởi tố ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và 6 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra cho thấy bị can Việt đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo nhiều cơ sở y tế và đơn vị liên quan trên cả nước nhằm hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Mục đích để được cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế.

C03 làm rõ Việt Á đã bán sản phẩm đến 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Bộ Công an đang điều tra mở rộng đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.