|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Y tế kiến nghị kéo dài thời gian cách li toàn xã hội

18:27 | 06/04/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định cách li toàn xã hội là biện pháp quan trọng để khống chế dịch bệnh vì vậy bộ đề xuất Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian của Chỉ thị 16.

Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng cho biết việc thực hiện cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cách hiện nay.

"Từ nay đến hết ngày 15, chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống dịch. Bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 15, 16, chúng ta cần có những biện pháp chủ động hơn để phục hồi kinh tế sau dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Người dân tuân thủ rất tốt

Thủ tướng nhận định chỉ thị 15, 16 đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi, khó khăn hơn nhưng người dân vẫn tuân thủ rất tốt. Lãnh đạo Chính phủ nhận định chính nhờ sự tuân thủ này mà Việt Nam khống chế được dịch.

“Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng mà Chính phủ, ban chỉ đạo các cấp, các ngành đã thực hiện. Vậy ta thấy hiện nay nên tiếp tục hay không? Có cần thiết phải tiếp tục hay như thế nào?”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu Thường trực Chính phủ nêu ý kiến tại cuộc họp.

Từ góc độ cá nhân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc cách ly xã hội là cần thiết trong giai đoạn này và vẫn nên tiếp tục.

Bộ Y tế kiến nghị kéo dài thời gian cách li toàn xã hội - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi hợp với các địa phương. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM.

Thủ tướng thông tin một số nước gần đã có chương trình giới nghiêm như Singapore, Là. Sắp tới, nhiều nước như Thái Lan, Lào, Singapore… hạn chế tối đa việc đi lại của khách nước ngoài. Trong khi đó, số lượng Việt kiều là học sinh, người lao động ở nước ngoài vẫn còn nhiều. Thủ tướng đặt câu hỏi cho lãnh đạo các bộ, ban, ngành về cách xử lý vấn đề này.

“Chúng ta có định có biện pháp mạnh hơn trong việc này không hay chỉ khuyến cáo?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Ngoài ra, Thủ tướng nêu một số câu hỏi khác để thường trực Chính phủ thảo luận thêm như quan hệ quốc tế trong thời gian tới; chuẩn bị phương án khi hết dịch.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết thứ 6 tới, Chính phủ sẽ có cuộc họp với các địa phương của cả nước để thảo luận quy trình tháo dỡ khó khăn trong kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, phổ biến nghị quyết của Chính phủ và chuẩn bị các phương án chủ động hơn, toàn diện hơn đến khi hết dịch.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh giai đoạn này cần tập trung, không chủ quan vì vẫn còn ca nhiễm, còn ca chưa tìm rõ nguyên nhân và còn tình trạng lây lan trong cộng đồng.

Ông lấy ví dụ Trung Quốc sau khi công bố hết dịch vẫn còn nhiều ca dương tính xuất hiện ở nhiều nơi. Từ đó, ông nhận định chủ trương “chủ quan là chết, chủ quan là tai hại” của Trung Quốc đáng để tham khảo.

Kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế Covid-19.

"Do thực hiện cách ly toàn xã hội, dự kiến thời gian tới số ca nhiễm không tăng nhanh mà chỉ xuất hiện một số trường hợp. Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, hiện chưa có người tử vong", ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay tới đón người về nước và không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

Bộ Công an cần chỉ đạo công an địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.

"Hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách ly xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía Nam", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Tính đến 6/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là 241 người, 91 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong 5 bệnh nhân nặng, chỉ có 2 trường hợp vẫn phải thở máy là bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và một bệnh nhân 88 tuổi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Quang Huy - Thu Hằng