Bỏ việc lương cao, giới trẻ Trung Quốc đua nhau đạp xe hàng trăm km để tìm lại chính mình
Mùa hè này, Tang Yanpeng, 30 tuổi, đã rời bỏ công việc văn phòng căng thẳng để tham gia bộ môn đua xe đạp, theo Sixthtone.
Cảm thấy mất phương hướng với vị trí quản lý tại một công ty sản xuất ô tô ở Thượng Hải, nơi cô kiếm được khoảng 15.000 nhân dân tệ (2.120 USD) mỗi tháng, Tang quyết định tạm dừng sự nghiệp.
Cô bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho những chuyến đi đạp xe. Là một người yêu xe đạp, cô từng đạp 318 km trong một ngày, thức trắng đêm để leo dốc cao gần 2 km, và đã tham gia ít nhất 10 cuộc thi.
Trong vài năm gần đây, đạp xe đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Thượng Hải, những người tạm thời không có việc làm, dù là tự chọn hay vì hoàn cảnh. Trước tương lai bất định, nhiều người cho rằng môn thể thao này mang lại cơ hội khám phá lại bản thân và giúp họ phát triển.
Theo một báo cáo năm 2023 của MagicCycling - nền tảng dữ liệu về đạp xe, 69% người đạp xe ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 40. Dựa trên khảo sát từ 5.000 người, báo cáo ghi nhận số lượng người từ 18 đến 30 tuổi tăng nhẹ so với hai năm trước. Tỷ lệ người mới bắt đầu đạp xe dưới một năm cũng tăng từ gần 6% vào năm 2021 lên gần 12% vào năm 2023.
Xu hướng này cũng phản ánh sự thay đổi trong quan niệm của người lao động Trung Quốc về việc nghỉ ngơi giữa chừng trong sự nghiệp. Theo một khảo sát của nền tảng tuyển dụng 51Job với gần 1.000 người lao động trên cả nước, 87% tin rằng việc nghỉ ngơi tại môi trường làm việc căng thẳng có thể giúp ích cho sự phát triển sau này. Nó tạo cơ hội để họ suy ngẫm và học hỏi.
Khoảng 80% số người được hỏi cho biết từng có ít nhất một lần ngắt quãng trong sự nghiệp, hoặc do họ tự nghỉ việc hoặc bị sa thải trước khi tìm được công việc mới. Trong số đó, 61% nói rằng khoảng thời gian này kéo dài dưới 6 tháng.
Tang bắt đầu đạp xe vào tháng 8/2023 và quyết định nghỉ việc vào đầu năm nay. Kể từ đó, cô đã hoàn thành chuyến đi 340 km kéo dài 11 giờ từ Thượng Hải đến Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang. Cô cũng tham gia một cuộc đua tiếp sức dài 1.000 km trong 24 giờ ở tỉnh Hải Nam.
“Khi đi bộ, bạn không thể đi xa, và khi lái xe, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cảnh đẹp. Tôi cảm thấy đạp xe là sự kết hợp hoàn hảo,” cô chia sẻ. “Tôi thích thử thách bản thân. Không phải vì mục tiêu chuyên nghiệp hay thi đấu, mà là niềm vui khi liên tục vượt qua giới hạn của mình.”
So với công việc văn phòng trước đây, vốn khiến cô cảm thấy cô đơn, đạp xe đã giúp Tang kết nối lại với thế giới xung quanh. Ngoài việc đạp xe ba đến bốn lần một tuần, với tổng quãng đường 300 km, cô còn tham gia các hoạt động và cuộc thi của câu lạc bộ, gặp gỡ những người từ nhiều lĩnh vực và hoàn cảnh khác nhau. “Giờ đây, khi gặp gỡ nhiều người hơn, tầm nhìn của tôi rộng mở hơn,” cô chia sẻ. “Những điều trước đây từng là vấn đề lớn, giờ đây dường như không còn quan trọng nữa.”
Khi nghĩ đến việc quay lại thị trường lao động, Tang cho biết cô chỉ muốn tìm những công việc cho phép mình có đủ thời gian và năng lượng để tiếp tục đạp xe. “Tôi muốn tìm một sự cân bằng,” cô nói. “Khi đạt đến một mức độ nhất định, đạp xe trở thành một phần không thể thiếu – nó đã trở thành thói quen hàng ngày của tôi.”
Theo Hiệp hội Đạp xe Trung Quốc, cả nước có hơn 10 triệu người đam mê đạp xe, hơn 160.000 câu lạc bộ đạp xe và 30.000 cửa hàng xe đạp. Các báo cáo truyền thông cho biết số lượng câu lạc bộ đã tăng nhanh chóng trong năm 2022 và 2023 khi ngày càng có nhiều người tham gia vào bộ môn này.
Jin Li, một kỹ sư 31 tuổi tại Thượng Hải, đã thành lập câu lạc bộ đạp xe của mình vào tháng 6 năm 2022. “Sau đại dịch, ai cũng mong muốn được gặp gỡ và kết nối với nhau, nên chúng tôi đã xây dựng một cộng đồng,” anh chia sẻ. Anh cho biết số lượng thành viên tăng rất nhanh, với ít nhất 100 người đăng ký mỗi tháng. Hiện tại, câu lạc bộ có hơn 1.500 thành viên.
Mỗi tuần, Jin tổ chức ít nhất ba buổi đạp xe nhóm, bao gồm các chuyến đi vào buổi sáng và buổi tối. Vào cuối tuần, các thành viên câu lạc bộ thường khám phá các khu vực ngoài Thượng Hải.
Jin nghỉ việc vào tháng 6 vì không có cơ hội thăng tiến. Với khoảng 8 năm tiền tiết kiệm, anh quyết định tạm dừng sự nghiệp để xem xét các lựa chọn tiếp theo.
Với Jin, đạp xe là cách tốt nhất để khám phá lại thế giới sau những biến động từ đại dịch. “Khi đạp xe vào buổi sáng sớm và thấy thành phố thức giấc, tôi cảm nhận thành phố theo cách hoàn toàn khác,” anh nói.
Dù ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc tạm nghỉ việc, nhiều người trẻ ở Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội. Trên mạng xã hội Weibo, hashtag “Người Trung Quốc không được phép nghỉ ngơi trong cuộc đời” đã thu hút hơn 200 triệu lượt xem kể từ tháng 10/2023.
Vấn đề tài chính cũng là một rào cản lớn. Theo khảo sát của 51Job, 49,3% người được hỏi cho biết họ cần có ít nhất 20.000 nhân dân tệ trong tài khoản trước khi cân nhắc việc tạm nghỉ. Trong khi đó, 30,7% cần ít nhất 100.000 nhân dân tệ.
Jin nhớ lại cảm giác lo lắng khi anh nghỉ công việc đầu tiên vài năm sau khi tốt nghiệp, nhưng lần này anh thoải mái hơn. “Một phần vì đạp xe giúp tôi thấy tích cực và bình tĩnh hơn, nhận ra thế giới lớn hơn những gì mình thường thấy,” anh nói. “Lý do quan trọng khác là tôi có đủ tiền tiết kiệm để tự do chọn lựa.”
Jin cho biết đạp xe đã dạy anh sống trong hiện tại, và anh không vội quay lại công việc toàn thời gian. “Khi đến một nơi mới – đứng trên đỉnh núi, ngồi trên mặt đất, cảm nhận cỏ dưới chân, chạm vào từng chiếc lá và đắm mình trong ánh nắng – những trải nghiệm này khiến tôi muốn theo đuổi chúng bất cứ khi nào có thể, bất kể tuổi tác.”
Tháng 6 vừa qua, Zhang Yi, 25 tuổi, mất việc ở một công ty thể thao lớn. Với nhiều thời gian rảnh, cô tham gia câu lạc bộ đạp xe đường dài và hoàn thành chặng đường 100 km quanh Thượng Hải, điều mà trước đây cô từng thấy rất khó. “Tôi không ngờ thành phố lại nhỏ đến vậy,” cô nhớ lại. “Khi đạp cùng bạn bè, 100 km giờ đây không còn xa. Dường như thế giới nhỏ lại còn sức mạnh của tôi thì tăng lên.”
Sau khi bị sa thải, Zhang tích cực tìm việc mới nhưng lo lắng về phỏng vấn và sợ bỏ lỡ cuộc gọi khi đang đạp xe. Tuy nhiên, khi cô tập trung vào đạp xe, cô nhận ra rằng mình vẫn có thể sống vui vẻ mà không cần phải làm việc. Cuối cùng, cô ngừng gửi hồ sơ và quyết định dành thời gian nghỉ ngơi.
“Hiếm khi có được sự tự do như thế này, nên tôi nghĩ mình nên tận dụng cơ hội để làm những gì mình luôn muốn. May mắn là mẹ tôi rất ủng hộ,” cô chia sẻ. Hiện tại, cô sống dựa vào tiền trợ cấp thôi việc và sự giúp đỡ từ gia đình.