Bỏ tỷ đô mua bất động sản Mỹ, nhiều người đang nhầm lẫn
Ở Mỹ, mua bất động sản không đồng nghĩa với việc được nhận thẻ xanh như nhiều nước khác. |
Hiểu đúng về bất động sản Mỹ
Cho đến nay, vẫn có không ít người lầm tưởng việc mua nhà ở Mỹ cũng tương tự việc mua nhà ở nhiều nước khác - để được cấp thẻ xanh cư trú.
Ở Mỹ, cấp thẻ xanh nằm trong chương trình EB5. Qua chương trình này, Chính phủ Mỹ khuyến khích việc lập doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động Mỹ (tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian cho công dân Mỹ, số tiền đầu tư tối thiểu 500.000 USD). Việc mua nhà là một hoạt động đầu tư khác, không thuộc chương trình để cấp thường trú nhân (thẻ xanh).
“Mua nhà ở Mỹ được cấp thẻ xanh là chiêu bài mà một số công ty tư vấn kém đạo đức ở Việt Nam đưa ra để dụ dỗ nhà đầu tư. Do đó, trước khi xuất tiền đầu tư, nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ về việc mua bán bất động sản ở Mỹ”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết.
Việc mua nhà, sở hữu nhà ở Mỹ cũng có nhiều điểm khác biệt. Chỉ những công dân Mỹ hoặc người có thẻ xanh mới được đứng tên sở hữu nhà, các trường hợp khác nếu muốn mua nhà phải nhờ người khác đứng tên. Do đó, nếu con số trên 3 tỷ USD số tiền mua nhà là thực tế, có thể thấy rất nhiều người Việt đã có cho mình tấm thẻ xanh của Mỹ hoặc đang nhờ người khác đứng tên cho các bất động sản.
Cấu trúc tài chính 4 bên
Như các bài viết về chủ đề đầu tư bất động sản ở nước ngoài mà Đầu tư Bất động sản đã đăng tải gần đây, việc cá nhân người việt Nam chuyển một lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài là rất khó khăn và thường bị kiểm soát chặt chẽ. Mua nhà không nằm trong danh mục để được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Các công ty tư vấn cũng hay kín, hở về biện pháp kỹ thuật để chuyển tiền đầu tư.
Qua trao đổi với chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, người Việt Nam đầu tiên thành lập và điều hành một ngân hàng tại Mỹ - phóng viên Đầu tư Bất động sản ghi nhận một hình thức chuyển tiền đang được nhiều người vận dụng, đó là cấu trúc tài chính bốn bên.
Theo đó, hai bên ở Việt Nam thực hiện một giao dịch mua bán hình thức và chuyển tiền bằng VND cho nhau, bên nhận tiền ở Việt Nam có liên hệ chặt chẽ với một đầu mối ở Mỹ.
Đầu mối này chuyển khoản tiền tương ứng bằng USD để mua nhà tại đây. Với việc áp dụng cấu trúc tài chính bốn bên này, tiền chưa ra khỏi Việt Nam, nhưng bên muốn mua nhà tại Mỹ đã thực hiện được giao dịch một cách không chính thức.
Theo ông Hiếu, các cơ quan quản lý cần phải làm rõ cấu trúc tài chính 4 bên có vi phạm luật hay không, hiện nay nó được coi là nằm trong vùng xám của quy định.
Một điều đáng lưu ý nữa là xu hướng sử dụng hoạt động mua, bán bất động sản để rửa tiền khá phổ biến. Theo đó, các đối tượng có tiền bẩn thực hiện mua bất động sản bằng tiền mặt, sau đó bán đi và thu tiền về qua chuyển khoản. Chỉ qua vài bước như vậy, hoạt động rửa tiền đã thành công.
Trước thực trạng trên, việc dễ dàng mua bất động sản ở nước ngoài được coi là tạo điều kiện cho tham nhũng, phạm pháp. Trung Quốc là nước điển hình cho việc giới nhà giàu hay quan chức mua bất động sản Mỹ để rửa tiền, tránh bị các cơ quan quản lý truy xét.