|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng tỉ USD chảy lậu ra nước ngoài

13:56 | 23/07/2017
Chia sẻ
Chỉ trong một năm, người VN đã chi ra hơn 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ. Nhưng ước tính của các chuyên gia, số ngoại tệ chảy ngầm ra nước ngoài còn lớn hơn rất nhiều, ở mức 8 - 9 tỉ USD, tăng dần qua từng năm.
hang ti usd chay lau ra nuoc ngoai
Người Việt chuyển ngầm 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ. Ảnh: SHUTTERSTOCK.

Chi tiền mua nhà, du học, mua sắm…

Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết trong năm tài chính vừa qua (tính từ tháng 4.2016 đến tháng 3.2017), người nước ngoài đã chi 153 tỉ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỉ USD, tương đương hơn 68.000 tỉ đồng. Và từ năm 2007, VN đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm trừ 2009 và 2012 chiếm 1%. Số tiền mua nhà đổ vào ngày càng mạnh, khi năm nay tăng gấp 3 lần so với năm ngoái là 1 tỉ USD (1%).

Tình hình đầu tư ra nước ngoài của VN tính đến tháng 1.2017: Có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,39 tỉ USD. Thị trường chủ yếu là Lào, Campuchia, Nga, châu Phi… Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh…

Trên thực tế, tình trạng mua nhà của người VN ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ vẫn diễn ra nhiều năm nay, với nhiều căn nhà có giá lên tới triệu USD. Đặc biệt, dù quy định của VN, cá nhân ra nước ngoài chỉ được phép mang không quá 5.000 USD/người khi xuất cảnh, thì vẫn có hàng trăm người chuyển được tiền tỉ mua nhà.

Chị Dung, một phụ huynh tại TP.HCM có con đang du học ở Mỹ đầu năm nay vừa hoàn tất việc mua một căn nhà ở thành phố Houston (Texas, Mỹ) với trị giá gần 300.000 USD. Dù không tiết lộ chi tiết việc làm thế nào để chuyển được số tiền này từ VN sang Mỹ, nhưng theo chị Dung, đây cũng là một quyết định “liều lĩnh”. Chị đã chuyển tiền thông qua nhiều cách, chủ yếu thông qua dịch vụ trung gian với mức phí 1%, trong khi số tiền nhờ người quen bạn bè mang giùm rất ít. Điểm rủi ro là tại VN, chị phải đưa tiền trước cho dịch vụ và trong vòng 3-4 ngày thì người nhận tại Mỹ sẽ có được số tiền này. “Đây là dịch vụ bạn bè giới thiệu, tôi thấy khá liều vì nguy cơ bị mất tiền rất cao. Thậm chí có nơi phí thấp hơn nhưng mình sợ nên không thực hiện. May mắn là mọi việc êm xuôi”, chị Dung thở phào.

Cũng theo chị Dung, các dịch vụ tìm cách nào để chuyển tiền thì người ngoài khó biết. Nhưng với những số tiền không quá lớn thì có thể thông qua trao đổi qua các dịch vụ đổi tiền, hoán đối cho lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về VN hoặc thậm chí những đoàn khách du lịch, công tác vào VN. Còn theo một công ty tại TP.HCM chuyên tư vấn về dịch vụ định cư, mua nhà ở Mỹ thì việc chuyển tiền ra khỏi VN đã được thực hiện rất nhiều. Ví dụ công ty có đối tác cung cấp dịch vụ kiều hối có chi nhánh ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Thông qua công ty này thì số tiền chuyển đi lên tới cả triệu USD được thực hiện nhanh chóng. Ngoài ra, có công ty tư vấn chuyển tiền dưới dạng ký hợp đồng xuất khẩu giữa doanh nghiệp trong nước cho bạn hàng ở Mỹ. Mức phí ở các công ty này sẽ dao động từ 2 - 3%...

TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc, cho biết ông không hề ngạc nhiên về con số 3 tỉ USD, bởi đây là con số đáng tin cậy dựa trên điều tra của các công ty làm địa ốc bên Mỹ. Họ biết rõ ai mua và đến từ đâu. Cũng không cần có số an sinh xã hội (social security number) như nhiều người thường nói, mà cần có số căn cước đóng thuế cá nhân (Inpidual Taxpayer Identification Number - ITIN) để có thể mua nhà ở Mỹ. "Vì có tài sản là nhà cửa thì phải đóng thuế tài sản hằng năm. Nếu cho thuê thì phải đóng thuế lợi tức. Khi bán nhà cũng phải đóng thuế bán nhà và đóng thuế tiền lời. Muốn đóng thuế phải có số căn cước đóng thuế ở trên. Còn rất khó xin số an sinh xã hội, vì có số này là có thể đi làm việc ở Mỹ”, ông Việt cho biết.

Mất nguồn tài sản cho đầu tư mới

Trước đây, vào năm 2015, TS Vũ Quang Việt từng chỉ ra con số giật mình: 33 tỉ USD của VN đã bị chảy ra nước ngoài bất hợp pháp trong 6 năm, từ 2008 - 2013. Theo ông, không thể biết rõ được tiền từ VN chảy ra nước ngoài chi vào đâu, nhưng thông tin từ Hội Địa ốc Mỹ cho thấy đó là nguồn quan trọng để tham khảo. Theo ước lượng của ông, tiền từ VN chuyển ra nước ngoài đã tăng nhiều so với các năm trước, có thể lên đến 8 - 9 tỉ USD/năm trong những năm gần đây.

Ông cho biết việc chuyển tiền ra nước ngoài rất dễ với hai cách. Cách thứ nhất, các lãnh đạo ở doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, khi nhập hàng từ nước ngoài có thể đòi hỏi công ty nước ngoài mở tài khoản ở nước ngoài, rồi bỏ tiền vào tài khoản đó. Việc này khiến hai bên cùng có lợi: Công ty nước ngoài có thể bán hàng, và tiền bôi trơn được tính vào giá bán; còn lãnh đạo công ty có nơi cất giấu tiền ở nước ngoài mà không ai trong bộ máy giám sát hay biết. Cách này cũng áp dụng cho các hợp đồng tư vấn, những người VN được chi trả ở tài khoản nước ngoài vì làm “tư vấn” cho nước ngoài. Cách thứ hai cho những người hoạt động "cò con" hơn (kể cả những gia đình làm ăn đàng hoàng) muốn chuyển tiền ra nước ngoài, là thông qua công ty chuyển tiền, tiền nhận được là đô la ở Mỹ, tiền phải đưa là tiền chuyển cho gia đình những người ở nước ngoài muốn chuyển tiền về VN. Như thế, tiền không phải qua ngân hàng và không bị kiểm soát.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM nhận định số tiền 3 tỉ USD chỉ là một phần trong hoạt động chuyển tiền "ngầm" ra nước ngoài. Trên thực tế số tiền có thể lớn hơn nhiều vì còn sử dụng để chi cho nhiều hoạt động khác như du học, du lịch, mua sắm... Đa số, người Việt mua nhà ở Mỹ thông thường có con là du học sinh tại đây nên sẽ được phép đứng tên sở hữu. Vì vậy số tiền chuyển đi có thể được thực hiện qua nhiều cách, trong đó một phần qua đường chính thức cho chi phí ăn ở du học và cả thẻ tín dụng. Nhưng phần lớn vẫn chuyển qua các dịch vụ kiều hối với mức phí phổ biến 1%.

"Tình trạng chuyển ngân lậu không chỉ diễn ra ở VN mà còn xảy ra ở nhiều nước khác. Rất khó quản lý và là thách thức lớn đối với Ngân hàng Nhà nước, bởi lượng tiền ngầm này có thể gây tác động, ảnh hưởng đến tỷ giá, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường. Cần tăng cường quản lý thị trường ngoại hối chặt chẽ để giảm thiểu "lỗ tò vò" thông nhau này. Nếu không, lượng ngoại tệ giao dịch mập mờ, "tranh tối tranh sáng" sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần", TS Thuận nói.

TS Việt nhấn mạnh, số tiền chi trả ngầm lớn cho thấy còn lỗ hổng lớn trong kiểm soát, quản lý ngoại hối của VN. Đồng thời việc kiểm soát và thực hiện chính sách tiền tệ trong nền kinh tế sẽ rất khó. Ngoài ra, nền kinh tế mất đi nguồn tài sản có thể đưa vào đầu tư mới. Quan trọng hơn, phía sau các con số có thể là dấu hiệu cụ thể của tham nhũng mà cơ quan quản lý cần quan tâm.

Hồng Sương - Mai Phương

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.