|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: EVIPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài

20:40 | 30/06/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời báo chí về cơ hội và thách thức khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) được ký kết.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: EVIPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiều 30/6/2019 tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) đã chính thức được ký kết vào chiều 30/6 tại Hà Nội, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; đồng thời, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thúc đẩy phát triển kinh tế.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Để thông tin rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Hiệp định EVIPA có các cam kết gì khác so với các Hiệp định hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đến nay, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba.

Hiệp định EVIPA có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như: đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh.

Bên cạnh đó, cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài.... Cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết và cân bằng hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, những tác động của Hiệp định EVIPA đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hiệp định EVIPA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời, giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, trên cơ sở những điểm tiến bộ của EVIPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Bên cạnh đó, thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ EU vào Việt Nam do: mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA chặt chẽ hơn cũng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp định EVIPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ... đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

Hiệp định EVIPA còn giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước  thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao.

Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.

Cam kết tự do hóa đầu tư trực tiếp trong EVFTA và cam kết về bảo hộ đầu tư trong EVIPA giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội do EVFTA/EVIPA mang lại?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, theo tôi, cần tăng cường phổ biến về các nội dung của Hiệp định và những việc cần làm để thực thi Hiệp định cho các đối tượng bị tác động của Hiệp định như cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương nhà đầu tư, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, ngư dân; củng cố mạng lưới và đẩy mạnh thông tin dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước để các doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời các yêu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa của EU; dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước, ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu;

Cùng với đó, sớm xây dựng lộ trình thực hiện để đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của Hiệp định.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh: đơn giản hóa và minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng; tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để đảm bảo các chính sách tiến bộ về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả trên thực tế

Cuối cùng là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cần chú trọng những điểm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: EVIPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta cần chuyển trọng điểm chính sách thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên các dự án có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước; phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh và nâng cao tính độc lập, tự chủ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, có thể chế chính sách ưu đãi vượt trội, quy định pháp lý, điều kiện kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí hành chính.

Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh; trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường …

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, rủi ro về việc bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện sau khi ký Hiệp định EVIPA?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các cam kết về bảo hộ đầu tư trong EVIPA được xây dựng một cách chi tiết hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU, có tiêu chí rõ ràng đối với từng nghĩa vụ.

EVIPA có quy định riêng ghi nhận quyền điều tiết chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

Những quy định này góp phần đảm bảo nội dung Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, phù hợp với với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán Hiệp định.

Việc giải quyết tranh chấp của Hiệp định EVIPA cũng được quy định một cách chi tiết, rõ ràng, với quy trình thủ tục chặt chẽ, có nhiều cơ chế góp phần hạn chế và ngăn ngừa tranh chấp như cơ chế thương lượng bắt buộc trước khi khởi kiện, cơ chế hòa giải và thi hành thỏa thuận hòa giải, không thụ lý đơn kiện của các nhà đầu tư thực hiện đầu tư thông qua hành vi gian dối, vi phạm pháp luật được; cơ chế xử lý các khiếu kiện vô căn cứ...

Cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA là cơ quan thường trực với 2 cấp xét xử sẽ giúp các tranh chấp được giải quyết một cách công bằng hơn, độc lập, nhất quán, hạn chế sai sót.

Do đó, so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký với các quốc gia thành viên EU, Hiệp định EVIPA có bước tiến đáng kể trong việc hạn chế, ngăn ngừa và giải quyết một cách hiệu quả các tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Hiệp định EVIPA có hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam không và sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hiệp định EVIPA tiếp tục khẳng định các nguyên tắc về phát triển bền vững được quy định tại EVFTA, như thu hút thương mại đầu tư nhưng vẫn đảm bảo duy trì mức độ bảo vệ môi trường, cam kết chống biến đối khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên sinh vật biển, khuyến khích thương mại và đầu tư hướng tới phát triển bền vững.

Hiệp định EVIPA có quy định riêng khẳng định quyền quản lý của các bên nhằm đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

Những quy định này được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo rằng các quy định về đầu tư trong EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra, đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng, hỗ trợ phát triển bền vững.

Mặt khác, đa số doanh nghiệp châu Âu luôn hướng tới phát triển bền vững, cam kết phát triển lâu dài đối với nước nhận đầu tư.

Đầu tư từ EU tăng sẽ giúp tăng cường tính ổn định, phát triển bền vững của các dự án FDI tại Việt Nam.

Phóng viên: Xin cám ơn Bộ trưởng!.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thúy Hiền

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.