|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Bờ Biển Ngà Marcel Amon đến thăm và làm việc tại T&T Group

13:55 | 20/06/2019
Chia sẻ
Chiều ngày 19/6/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, đoàn công tác Chính phủ Cộng hòa Bờ Biển Ngà do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Marcel Amon Tanoh dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc với Tập đoàn T&T.

Bờ Biển Ngà hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại Châu Phi. Trong khi đó, Tập đoàn T&T Group là Tập đoàn tiên phong của Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động thương mại và đầu tư tại Bờ Biển Ngà, đồng thời đóng vai trò đầu mối kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và các hiệp hội, doanh nghiệp tại Bờ Biển Ngà. Buổi làm việc tập trung vào các vấn đề chính liên quan đến các dự án thương mại và đầu tư mà T&T Group đang triển khai tại Bờ Biển Ngà. 

 Theo đó, đối với dự án thương mại và đầu tư nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà, sau khi triển khai hợp đồng thu mua điều thô đã được ký kết vào tháng 03/2019 với số lượng 200.000 tấn cho năm 2019, T&T Group dự kiến tiếp tục triển khai giai đoạn I đầu tư 01 nhà máy chế biến điều với công suất 50 - 70 nghìn tấn điều thô/năm tại Bờ Biển Ngà. Giai đoạn 2, T&T Group sẽ đầu tư các nhà máy vệ tinh tại Bờ Biển Ngà với dự tính tổng công suất khoảng 300.000 - 400.000/tấn năm.

Chu tich T&T tiep Bo truong Ngoai giao BBN

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đôc Tập đoàn T&T Group tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh

Đối với dự án thương mại và chế biến bông, Tập đoàn T&T Group đề xuất Chính phủ và Hiệp hội Bông Điều Bờ Biển Ngà hỗ trợ thu mua tối thiểu 100.000 tấn bông/năm và tăng dần đều trong các năm tiếp theo. Đồng thời, T&T Group sẽ nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến bông sợi vải tại Bờ Biển Ngà. 

 Cũng tại buổi gặp mặt, T&T Group đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Bờ Biển Ngà, bởi Việt Nam là một trong ba nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Bờ Biển Ngà là rất lớn.

Bo truong Ngoai giao BBN phat bieu

Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn T&T Group

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh, tiềm năng trao đổi thương mại giữa Bờ Biển Ngà và Việt Nam là vô cùng lớn, nhưng rào cản lớn nhất chính là việc thanh toán giữa hai nước. Gỡ được rào cản này, giao thương giữa hai nước chắc chắn sẽ phát triển, đúng như kỳ vọng của hai Chính phủ. 

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Marcel Amon Tanoh đánh giá cao các hoạt động thương mại, đầu tư trực tiếp của T&T Group tại Bờ Biển Ngà cùng với vai trò đầu mối kết nối thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Với danh tiếng của T&T Group, Ông Marcel Amon Tanoh tin tưởng T&T Group sẽ trở thành hình mẫu thành công tại Bờ Biển Ngà, từ đó, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam khác đầu tư tại quốc gia này. Ông Marcel Amon Tanoh cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của Tập đoàn T&T Group và cam kết sẽ hỗ trợ Tập đoàn T&T giải quyết các vướng mắc, khó khăn khi kinh doanh thương mại, đầu tư tại Bờ Biển Ngà. Đồng thời, Ông sẽ đề nghị Chính phủ Bờ Biển Ngà có những chính sách đảm bảo điều kiện thu hút và bảo hộ các nhà đầu tư lớn.

Chu tich HDQT tiep Bo truong Ngoai giao

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh

Hiện nay, điều là một trong những cây trồng có giá trị thương mại cao nhất tại Bờ Biển Ngà. Sản lượng điều của Bờ Biển Ngà tăng từ 19.000 tấn vào năm 1990 lên đến hơn 711.000 tấn năm 2017 và sản lượng điều của mùa vụ năm 2018 lên đến 750.000 tấn. Ngành điều ở Bờ Biển Ngà phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu điều thô và hầu như chỉ xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và Việt Nam. Thị phần của Việt Nam trong ngành xuất khẩu điều thô trồng tại Bờ Biển Ngà trong 5 năm vừa qua đã tăng theo cấp số nhân, từ 221.423 tấn năm 2013 lên đến 448.217 tấn năm 2017. Do đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Bờ Biển Ngà.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may lớn nhất thế giới, đóng góp lớn vào GDP trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu bông trong nước rất hiếm, chỉ đáp ứng 2% nhu cầu. Sản lượng nhập khẩu bông trung bình là 1.5 triệu tấn/năm, trong đó 95% sản lượng bông nguyên liệu nhập khẩu thông qua các công ty thương mại lớn của Mỹ, châu Âu, Singapore và Ấn Độ. Vì vậy, việc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cùng với việc nhập khẩu bông trực tiếp có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững và ổn định của ngành dệt may Việt Nam.

Hoàng Phạm