|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Các nước tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn đạt những chỉ tiêu quan trọng'

18:11 | 03/08/2020
Chia sẻ
Chiều 3/8, buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 7/2020 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kì tháng 7/2020 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại tại Việt Nam khi có thêm nhiều ca bệnh được phát hiện tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM.

'Nền kinh tế có những dấu hiệu đáng mừng' - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng trong bối cảnh diễn ra dịch Covid-19. Đó là "tinh thần thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lí triệt để các ổ dịch", nhưng không để đứt gãy nền kinh tế.

"Như vậy thời điểm hiện nay phải thực hiện mục tiêu kép, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhiều cuộc họp nhằm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai và các tỉnh miền Trung, miền Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công và khơi thông động lực tăng trưởng, Thủ tướng đã thành lập 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến sản xuất kinh doanh và đôn đốc tiến độ giải ngân.

Nhờ vào sự nỗ lực vượt bậc, tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận tháng sau khá hơn tháng trước.

"Trong khi các nước tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn đạt những chỉ tiêu quan trọng. Đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị", người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Tín hiệu đáng mừng là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kì. Thành quả này có được nhờ vào chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.

Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Chúng ta cũng đã tìm một số thị trường mới, tăng lên về khối lượng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kì năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỉ USD, tăng 18,4%.

Thu hút FDI khá tích cực, trong 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỉ USD, giảm hơn so với cùng kì nhưng tháng 7 đạt 10,1 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, gần 52% so với cùng kì năm trước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý qui mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

Về vấn đề muốn tăng trưởng kinh tế cao hơn nữa, theo Thủ tướng, tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu, nên tăng trưởng của chúng ta ở mức độ vừa phải. Cùng với đó, cần cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Anh Đào

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.