Thủ tướng: Tiếp tục nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ, tài khóa
Tại cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 diễn ra vào ngày 2/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt 2 mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể, Thủ tướng cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát. Thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển.
Đây là lần thứ ba trong các cuộc họp gần đây Thủ tướng Chính phủ đặt yêu cầu xem xét lại chính sách tài khóa và tiền tệ, theo hướng nới lỏng có kiểm soát.
Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm được tổ chức sáng 2/7, Thủ tướng nhận định dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam còn lớn. Do đó, ông đặt câu hỏi việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ có phải là giải pháp đúng trong bối cảnh hiện nay hay không, trong khi các nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách… để kích thích tăng trưởng.
Trong cuộc họp nhìn lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng cũng nhận định dư địa chính sách tài chính, tiền tệ còn lớn cho kích cầu; cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất, giảm thuế phí.
Tại cuộc họp ngày 2/8, Thủ tướng nêu rõ, cần rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quí III, cả năm 2020 và 2021. Tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động. Các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, đặc biệt là kế hoạch và đầu tư, tài chính đều phải có các giải pháp huy động nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại chính sách tiền tệ để phối hợp tốt với chính sách tài khóa.
Về số liệu tiền tệ tín dụng và ngân sách Nhà nước, hiện số liệu được ước từ ngày 15-20 hằng tháng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo bổ sung, cập nhật số liệu.