Giải pháp mạnh của chính sách tiền tệ là gì?
Ngày 2/7, Chính phủ hội nghị với các địa phương nhìn lại 6 tháng đầu năm cũng như định hướng cho nửa cuối 2020.
Tại đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng gợi mở rằng, trong trường hợp cần thiết, chính sách tiền tệ sẽ có giải pháp mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vậy giải pháp mạnh đó là gì?
Trả lời BizLIVE, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, bên cạnh hướng xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các ngân hàng, thì hướng tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ là giải pháp góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.
Một dự án triển khai, hoặc đẩy nhanh tiến độ, lực đẩy sẽ lan tỏa tới nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng, như sản xuất nguyên vật liệu, nhà thầu, đơn vị thi công… Giá trị lan tỏa còn mở rộng khi đây là lĩnh vực vừa thâm dụng vốn vừa thâm dụng lao động.
Dự án sớm hoàn thiện, đi vào vận hành càng thúc đẩy giá trị lan tỏa khi kết nối, tương tác các lĩnh vực khác như vận tải, giao thương, tiêu dùng… Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nằm ở tổng hòa những tương tác đó.
Vậy chính sách tiền tệ và giải pháp mà Thống đốc Lê Minh Hưng đề cập nằm ở đâu?
Trong năm 2019 rồi đầu 2020, Chính phủ từng có ý kiến để VietinBank vào cuộc tài trợ vốn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hay BIDV được giao làm đầu mối, phối hợp với VietinBank và các ngân hàng thương mại tiếp vốn cho đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…
Hay lớn hơn, triển khai dự án sân bay Long Thành, đại công trình thu hút nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực tham gia. Trong đó, đầu mối thi công cần vốn, đầu mối cung cấp vật liệu xây dựng cần vốn…, nhất là khi dòng tiền có thể bị gián đoạn bởi Covid-19, thì vay vốn là một giải pháp hỗ trợ.
Vậy vì sao phải cần giải pháp mạnh nói trên, trong khi tín dụng vẫn đang có dư địa lớn sau 6 tháng đầu năm, khi mà lãi suất đã giảm sâu và cân đối nguồn của các tổ chức tín dụng dư thừa trên thị trường liên ngân hàng?
Trả lời tham vấn của BizLIVE, một chuyên gia nói: “Hôm qua, sau khi đọc thông tin Thống đốc nêu giải pháp cũng như diễn giải về hướng tái cấp vốn cho các dự án trọng điểm, thì quả là trúng vào điểm cả nền kinh tế và các doanh nghiệp đang mong đợi”.
Chuyên gia này phân tích, hai tháng qua và hiện nay, vốn dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, mà lãi suất ở đây rơi về gần bằng 0. Nhưng đó không phải là nguồn vốn cần nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay.
“Cái mà nhiều năm nay và hiện nay nền kinh tế, doanh nghiệp cần là nguồn vốn trung và dài hạn. Vốn thừa mứa trên liên ngân hàng chỉ là ngắn hạn, rất ngắn hạn. Doanh nghiệp vay ngân hàng cũng khó tiếp cận, khó có nguồn thuận lợi về trung dài hạn, chứ không hẳn là lãi suất”, chuyên gia trên đặt vấn đề.
Đặc điểm của hầu hết các chủ đầu tư, các nhà thầu, các doanh nghiệp tham gia các dự án trọng điểm là nhu cầu vốn trung và dài hạn. Nguồn này hạn chế, trong khi phần lớn họ không tự phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tự huy động để được trung và dài hạn.
Nhìn ra bên ngoài, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã triển khai những giải pháp mạnh. Họ không những bơm tiền lớn, mà còn mua trái phiếu doanh nghiệp để tạo nguồn trung dài hạn.
Nhưng tại Việt Nam, việc Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước đứng ra trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp thì chưa từng có tiền lệ, tính khả thi thấp vì yếu tố rủi ro, cũng như cơ chế xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp còn hạn chế hoặc còn thiếu.
“Thế nên, Thống đốc đề cập đến giải pháp trên là một hướng mạnh, gợi mở cho khả năng thực hiện được điều gần với một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang làm, nhưng gián tiếp”, chuyên gia BizLIVE tham vấn nói.
Gián tiếp, đó là qua tái cấp vốn cho những dự án trọng điểm. Đầu mối là các ngân hàng thương mại. Tái cấp vốn ở đây tạo nguồn trung dài hạn, với cửa sổ chính là hồ sơ tín dụng của những dự án trọng điểm đó.
Giải pháp này Ngân hàng Nhà nước cũng đã sớm tính toán về giải pháp và cơ chế trên, mang tầm nhìn chủ động và lâu dài.
Cụ thể, từ cuối năm 2019, khi còn chưa có dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 24 quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng. Thông tư này hiện đã sẵn sàng, khi có hiệu lực từ 18/01/2020.
Tất nhiên, bên cạnh cửa sổ hồ sơ tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng có điều kiện tiếp cận kênh tái cấp vốn qua các giấy tờ có giá truyền thống như trái phiếu Chính phủ…
Như vậy, khi triển khai gián tiếp, rủi ro thu hồi vốn trong giải pháp này được đệm qua các ngân hàng thương mại. Nhưng sâu xa hơn, mỗi chính sách lớn và có ảnh hưởng lớn như vậy cần vai trò của Chính phủ.
Vì vậy, khi phát biểu tại hội nghị nói trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đặt vấn đề rằng: “Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ…”.
Về phía Chính phủ, cũng tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gợi mở với đầu bài cho các bộ chuyên trách: Việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ như hiện nay có phải là giải pháp đúng, trong khi các nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách… để kích thích tăng trưởng?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/