Bộ trưởng Bộ TT&TT và Đại sứ Mỹ cùng gỡ vấn đề “nóng” về quản lý Internet
Chiều 21/3/2017, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, buổi làm việc này có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và tháo gỡ những vướng mắc mà hai bên đang trao đổi trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực TT&TT và tháo gỡ những vướng mắc mà hai bên đang trao đổi thời gian qua. |
Đề nghị Đại sứ Mỹ tác động để Google, Facebook... có đại diện tại Việt Nam
Vấn đề đáng chú ý nhất được thẳng thắn đề cập tại buổi làm việc là quản lý Internet. Theo Đại sứ Ted Osius, việc cân bằng giữa đảm bảo quyền tự do sử dụng Internet với việc thực thi pháp luật là khó khăn với mọi quốc gia, trong đó có Mỹ. Một số nước như Trung Quốc, Pakistan đã đưa ra quyết định về quản lý Internet khiến một số công ty của Mỹ phải tìm địa điểm khác để kinh doanh thay vì mở rộng hoạt động kinh doanh tại những quốc gia này. Tuy nhiên, Đại sứ vẫn luôn khuyến khích các doanh nghiệp như Google, Facebook đẩy mạnh hơn nữa quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Việt Nam có cách quản lý Internet khác với Trung Quốc, Pakistan. Với 92 triệu dân, trong đó khoảng 70 triệu người đã sử dụng Internet, Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển Internet, đã tạo điều kiện để mở rộng băng tần cho người dân truy cập Internet nhanh hơn khi cần tìm kiếm nội dung trên mạng.
“Quan điểm của chúng tôi là phát triển Internet cần đồng thời đảm bảo “quyền được thông tin của người dân” và “nhu cầu phòng ngừa thông tin độc hại” ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, thuần phong mỹ tục, trật tự, an toàn xã hội của người dân”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ thông tin về hoạt động quản lý Internet tại Việt Nam. |
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, hiện nay, hoạt động cung cấp thông tin qua biên giới vào Việt Nam ngày một phổ biến và đã góp phần đa dạng phương thức thông tin, giúp người dùng tại Việt Nam có thêm một kênh hữu ích để tương tác trên môi trường mạng. Riêng với Facebook, tại Việt Nam đã có 52 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội này.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam cũng phát sinh nhiều vấn đề có tác động đến người tiêu dùng Việt Nam như tình trạng xuất hiện các nội dung thông tin xấu, độc hại, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, từ những nhu cầu thực tế của xã hội, Bộ TT&TT đã đưa ra các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng như trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành trên môi trường Internet tại Việt Nam.
Ghi nhận phản ánh của ngài Đại sứ về việc Google đang rất lo ngại về các quy định của Nghị định 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Không cần phải lo ngại các quy định này. Nghị định 72 và Thông tư 38 không hề hạn chế bất kỳ hoạt động của Google cũng như các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, mà chỉ hạn chế các hành vi vi phạm”.
Bộ trưởng cũng lưu ý rằng thời gian dài qua, nhiều doanh nghiệp lớn quảng cáo trên YouTube đã bị gắn quảng cáo với các clip độc hại. Vừa qua, Google đã gỡ bỏ 1 số clip theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Google cũng đã khẳng định sẽ hợp tác, nếu Bộ TT&TT chỉ ra clip vi phạm thì Google sẽ gỡ bỏ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam không có đủ lực lượng để kiểm tra xem trên Google có những clip nào vi phạm pháp luật Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu Google cũng như các doanh nghiệp quảng cáo đều phải có trách nhiệm trong việc này.
Khác với thông tin mà ngài Đại sứ được biết trước đây rằng Google đã xử lý được 80% yêu cầu của Bộ TT&TT đối với các clip độc hại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Google mới xử lý được hơn 40 clip trong số khoảng 8.000 clip độc hại. Đặc biệt, Google chỉ chặn clip để người ở Việt Nam không xem được, còn người ở nước ngoài vẫn xem được, trong khi yêu cầu của Bộ TT&TT là khi thấy clip vi phạm thì phải gỡ bỏ hoàn toàn.
Bởi vậy, “đề nghị ngài Đại sứ tác động để Google, Facebook có đại diện tại Việt Nam để dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam”, người đứng đầu Bộ TT&TT nói.
Ghi nhận đề xuất nêu trên, Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty mở văn phòng tại Việt Nam, và tích cực làm việc với Bộ TT&TT cũng như các cơ quan quản lý để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, với câu chuyện xử lý clip độc hại của Google, ngài Đại sứ cũng đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT kiên nhẫn thêm một chút vì mỗi phút hiện có tới 400 giờ video được đưa lên Google, và hiện Google không có khả năng về kỹ thuật cũng như nhân lực để duyệt từng video xem cái nào vi phạm pháp luật. Mới đây, Google đã có một số chương trình dùng biện pháp kỹ thuật sớm phát hiện nội dung khiêu dâm trẻ em để loại bỏ, nhưng với những nội dung như thông tin phỉ báng, nói xấu, kích động chính trị... thì Google chưa có khả năng kỹ thuật để phòng ngừa những nội dung độc hại này. Tuy nhiên, các bên liên quan sẽ cùng nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết vấn đề trong thời gian tới.
Đại sứ Mỹ đề nghị xử lý 3 website vi phạm bản quyền
Bên cạnh những vấn đề nóng trong quản lý Internet, Đại sứ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới câu chuyện bảo vệ sở hữu trí tuệ trên mạng Internet, và chỉ rõ tên 2 trang web cần truy số hình sự vì vi phạm bản quyền, đó là các trang Putlocker, 123movies, và Kisscartoon.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đề nghị Bộ TT&TT xử lý nghiêm 3 website vi phạm bản quyền. |
Khẳng định đây là vấn đề mà Bộ TT&TT rất quan tâm và yêu cầu Thanh tra Bộ TT&TT sớm ra quyết định xử lý 3 trang web nêu trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm: “Trong thời gian qua, để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ TTTT đã không ngừng nâng cao trách nhiệm trong việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thuộc phạm vi ngành. Bộ TT&TT đã chủ động phối hợp thường xuyên với các Bộ, ngành và địa phương cũng như tổ chức đại diện tập thể quyền sở hữu trí tuệ để triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện pháp luật về bản quyền đối với xuất bản phẩm, nhất là trong công tác kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, trong thực tế, ngay trên các kênh YouTube, nhiều video clip được sản xuất với nội dung sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền của các tổ chức của Việt Nam, cắt ghép, lấy câu chữ của các phần tử xấu, sau đó đăng lên mạng. Bộ TT&TT đã đề nghị Google cần có ngay các biện pháp xử lý những hành vi vi phạm bản quyền trên YouTube. Đồng thời, cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ xem xét, xử lý các doanh nghiệp, người sử dụng của Việt Nam vi phạm bản quyền trên YouTube.
Đẩy mạnh hợp tác xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam
Một tin vui được công bố tại buổi làm việc là phía Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác triển khai xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ cho biết, tháng 12/2016 Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo về phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh tại Hà Nội, sau khi đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP. Đà Nẵng vào năm 2015 và sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM trong năm nay.
Sau cuộc gặp hôm nay với Bộ trưởng Bộ TT&TT, Đại sứ sẽ cùng Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thảo luận về phương thức hỗ trợ để Hà Nội sớm trở thành thành phố thông minh. Sau đó cũng sẽ làm việc với lãnh đạo Quảng Ninh, Hải Phòng để tìm hiểu phương thức hỗ trợ các địa phương này. Ngoài ra, phía Hoa Kỳ cũng sẽ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức hội thảo để xây dựng dự án cụ thể về nội dung phát triển thành phố thông minh.
Hiện có 32 doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia lực lượng phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
“Dự kiến tháng 5/2017, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về thành phố thông minh tại Việt Nam và tổ chức hội thảo về quốc gia thông minh tại Singapore. Mong Bộ TT&TT tham gia để cùng tìm giải pháp thiết thực nhất cho những nội dung này”, Đại sứ Ted Osius nói.
Hoan nghênh các doanh nghiệp và Đại sứ quán Hoa Kỳ đã nỗ lực hợp tác xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ thêm: “Trong quá trình phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi về mô hình kinh doanh, phương thức và quan hệ sản xuất, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đang phải đối mặt với không ít thách thức trong các vấn đề về quản lý và phát triển. Tuy nhiên, Bộ TT&TT khẳng định luôn coi trọng việc cập nhật, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân Việt Nam cũng như các vấn đề về an ninh, chủ quyền của Việt Nam”.
Riêng về việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT khẳng định Nghị định 108/2016/NĐ-CP đã quy định rõ các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng chỉ bao gồm các sản phẩm, dịch vụ có tính năng cốt lõi liên quan đến an toàn thông tin mà không điều chỉnh các loại sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác có tính năng liên quan đến an toàn thông tin mạng như một tính năng phụ trợ.
Quan điểm của Bộ TT&TT là tạo thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp Hoa kỳ có các vướng mắc trong việc nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ CNTT thông thường, không thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ 108/2016/NĐ-CP, thì thông báo trao đổi nêu rõ trường hợp cụ thể để Bộ TT&TT (đầu mối là Cục An toàn thông tin) tiếp thu và xử lý.
Một số đề xuất hợp tác của Bộ TT&TT
Cũng tại buổi làm việc, người đứng đầu Bộ TT&TT đã đề xuất một số hoạt động có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới với phía Hoa Kỳ gồm:
Hai bên đẩy mạnh đối thoại chính sách để có thể chia sẻ và tăng cường sự tương đồng và hiểu biết lẫn nhau về tầm nhìn, định hướng cũng như trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể.
Tổ chức các hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển các hình thức dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số.
Việt Nam trong thời gian tới dự kiến xây dựng 5 đô thị thông minh, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia chia sẻ công nghệ và hợp tác xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh, cũng như hợp tác với các địa phương trong việc quy hoạch và triển khai sau này.
Hai bên tăng cường hợp tác, xây dựng các cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng.
Kể từ khi hai bên ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ BTA năm 2001, Việt Nam đã và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn Hoa Kỳ vào đầu tư tại Việt Nam. Để Việt Nam có thể tiếp tục có những ưu đãi tốt hơn nữa đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đề nghị Ngài Đại sứ khuyến nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn sẵn sàng phối hợp với cơ quan quản lý của Việt Nam để cùng duy trì và phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh ổn định, đồng thời chống lại các hành vi vi phạm pháp luật gây mất ổn định và xâm hại truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của nhân dân Việt Nam.
Mong muốn Đại sứ Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ và chia sẻ các khó khăn của Việt Nam trong việc quản lý các thông tin qua biên giới có nội dung sai trái, độc hại và vi phạm pháp luật Việt Nam, hỗ trợ Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Bộ TT&TT với các doanh nghiệp Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook... xử lý các sai phạm trên môi trường mạng, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đối với các nội dung tại Diễn đàn APEC 2017, mong muốn Hoa Kỳ ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam để góp phần vào thành công chung của Hội nghị.