Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn'
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn |
Con số nợ công 'khủng'
Trình bày trước Quốc hội sáng nay (1/11) về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nợ công tại thời điểm 2001 mới chỉ chiểm 36,5% GDP, đến 2005 lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP.
Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001.
|
Bên cạnh đó, tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong thực hiện hàng năm, Việt Nam phải đảo nợ: Năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng và con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng. Trong năm nay, 2016 dự kiến tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng.
Nợ công tăng do GDP không đạt dự kiến
Thừa nhận "Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn", Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân trước hết do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch.
Bộ trưởng dẫn chứng, tại họp thứ hai Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10/2011 đã quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2015 là 6,5%-7%. Trước đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI còn đặt ra mục tiêu tăng trưởng giai đoạn này là 7% - 7,5%, nhưng do nhiều nguyên nhân đã phải điều chỉnh hạ mức tăng trưởng.
Trong khi thực hiện, giá trị tuyệt đối của GDP cũng không đạt như dự toán. Năm 2015, theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội, nợ công đã tăng lên 0,9% so với GDP dự toán. Năm 2014 cũng tương tự, do không đạt GDP dự toán là 4,2 triệu tỷ đồng (thực hiện 3,9 triệu tỷ đồng) đã khiến tỷ lệ nợ công tăng từ mức 54,3% GDP lên 58,5% GDP. Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây chính là yếu tố quan trọng làm cho tỷ lệ nợ công/GDP tăng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, các hoạt động tài cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, trong khi 5 năm qua giảm thu để thúc đẩy sản xuất, giá dầu thô giảm...
Những năm qua, Chính phủ lại thực hiện rất nhiều chính sách giảm thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cam kết hội nhập quốc tế khiến thu xuất nhập khẩu cũng giảm theo...
Bộ trưởng Dũng cho biết, tốc độ chi đảm bảo đúng mức theo tốc độ tăng trưởng kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, tốc đô tăng thu lại không được như dự kiến. Hàng năm, chi cho an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi lương trong giai đoạn này (không kể tiền lương) đã tăng đến 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu và tăng chi. Do đó, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước tăng nhanh.
Theo Nghị quyết của Đảng, Trung ương và Quốc hội về đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo..., trong giai đoạn này, Chính phủ trình Quốc hội hàng năm phát hành thêm 225.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2014; giai đoạn 2014-2016 phát hành thêm hơn 170.000 tỷ đồng nữa.
Chính phủ cũng trình Quốc hội tăng tỷ lệ bội chi ở mức cao để tăng nguồn cho đầu tư phát triển. Riêng giai đoạn 2011-2015, dự toán bội chi là 872.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện là hơn 1 triệu tỷ đồng. Do vậy, riêng về nợ công (số tuyệt đối) tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng.
Kéo dài kì hạn, giảm lãi suất vay
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết phải hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, ngân sách; phải từng bước tái cơ cấu lại nợ công và trình Quốc hội trong thời gian tới.
Cụ thể, thời gian tới sẽ đẩy mạnh phần vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Hiện, cơ cấu vay nợ trong nước đang ở mức đã trên 57% và nợ nước ngoài còn 43%.
Bên cạnh đó, kỳ hạn nợ công sẽ được tái cơ cấu tăng lên gấp đôi, lãi suất của các khoản nợ thì giảm đi một nửa. Năm 2011 huy động trái phiếu Chính phủ trong nước với lãi suất 12,01%/năm thì năm 2012 giảm còn 9,8%/năm, năm 2013 là 7,79%/năm, năm 2015 còn 6,28%/năm và 2016 là 6,4%/năm.