Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin: Mỹ không có ý định can thiệp vào đồng USD ngay bây giờ
Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ không loại trừ khả năng can thiệp trong tương lai
Mặc dù không có ý định can thiệp vào thị trường đồng USD, Bộ trưởng Mnuchin vẫn phát tín hiệu rằng ông hoan nghênh mọi động thái phối hợp chung giữa Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các đồng minh toàn cầu trong tương lai.
Phát biểu trước Bloomberg hôm 28/8, ông Mnuchin cho hay: "Bộ Tài chính Mỹ không có ý định can thiệp vào thời điểm này. Tình hình có thể thay đổi trong tương lai nhưng ngay hiện tại chúng tôi không có dự tính can thiệp".
Chính quyền Tổng thống Trump đã cân nhắc các biện pháp hành động để làm giảm sức mạnh của đồng USD, bao gồm cả trường hợp can thiệp trực tiếp.
Hồi tháng trước, các quan chức Mỹ đã loại trừ khả năng can thiệp vào đồng bạc xanh bất chấp việc Tổng thống Donald Trump liên tục than phiền về sức mạnh của đồng nội tệ Mỹ.
Ông Trump đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại về giá trị của đồng USD so với các đối thủ kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc - "kình địch" thương mại của Mỹ trong cuộc thương chiến.
Với một đồng USD không thể xuống giá, các nhà sản xuất Mỹ từng có khoảng thời gian khó khăn khi bán sản phẩm ra nước ngoài, bởi hàng hóa của họ quá đắt đỏ với người tiêu dùng ngoại quốc.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ lại có thể tiêu thụ nhiều hàng nhập khẩu hơn, từ đó làm trầm trọng thêm khoản thâm hụt thương mại mà ông Trump muốn xử lí.
Mỹ từng tuyên bố: Làm suy yếu tỷ giá hối đoái không có lợi cho bất kì nước nào
Một động thái can thiệp đơn phương sẽ mâu thuẫn với cam kết lâu dài mà Mỹ từng tái khẳng định hồi tháng 6 cùng các thành viên khác trong nhóm G20. Cụ thể, Mỹ tuyên bố chủ động làm suy yếu tỷ giá hối đoái để thúc đẩy xuất khẩu không có lợi cho bất kì ai.
Lần cuối cùng Mỹ can thiệp vào thị trường tiền tệ là vào năm 2011, khi chính phủ nước này cùng loạt quốc gia khác nỗ lực củng cố thị trường sau khi đồng yen Nhật tăng vọt sau trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản.
"Nhìn chung, sẽ tối ưu hơn nếu nhiều bên cùng hợp tác thực hiện những bước đi này do qui mô và mức độ của các thị trường tiền tệ", ông Mnuchin nói. "Thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường đồng USD, là một trong những thị trường giao dịch lớn và giàu thanh khoản nhất trên thế giới".
Bộ Tài chính Mỹ và Fed đã phối hợp trong ba lần can thiệp tiền tệ gần nhất, chia đều khối lượng giao dịch giữa hai bên vào năm 1998, 2000 và 2011 để đẩy giá trị đồng USD lên.
Hành động mà không có sự hợp tác từ Fed, trong đó chi nhánh New York sẽ thực hiện giao dịch tiền tệ thay mặt Bộ Tài chính, thường không đủ mạnh để thay đổi xu hướng trên thị trường đồng USD.
Bộ Tài chính Mỹ hiện nắm giữ khoảng 94 tỉ USD mà cơ quan này có thể dùng để tác động đến thị trường tiền tệ - một khoản tương đối nhỏ khi mà thị trường ngoại hối đang giao dịch hơn 5.000 tỉ USD/ngày.
Sự hỗ trợ từ Fed sẽ tăng gấp đôi tác động khi giả sử hai tổ chức cùng chia sẻ chi phí một cách đồng đều. Tuy nhiên, nếu Fed quyết định đứng bên lề, điều đó sẽ làm suy yếu tín hiệu gửi đến các thị trường.
Thị trường suy đoán về khả năng Mỹ hành động để buộc đồng USD xuống giá
Đồng USD đã rơi vào tình thế bất ổn trong những tháng gần đây, một phần vì nhà đầu tư có cái nhìn bi quan về triển vọng kinh tế của các thị trường bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Chỉ số USD Index của Bloomberg đang "lượn lờ" quanh mức cao nhất năm 2019. Sức mạnh của đồng USD có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ mất tính cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.
Thị trường đã hình thành niềm tin rằng Mỹ có thể can thiệp để làm suy yếu đồng USD, gần đây nhất là vào ngày 23/8.
Cụ thể, đồng bạc xanh đã sụt giảm sau khi ông Trump đăng tweet một ngày trước, phàn nàn về "một đồng USD quá mạnh và một Fed quá yếu ớt". Đồng thời, Tổng thống Mỹ còn cho biết ông sẽ tuyên bố thông tin mới sau đó, dấy lên suy đoán về một sự can thiệp từ chính phủ Mỹ.
Vào cùng ngày 23/8, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông dường như đang cố để ép Fed hạ thêm lãi suất - động thái có thể tự động hạ giá trị của đồng USD xuống một chút.