|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Hút bớt tiền trong lưu thông, mở nút thắt sản xuất để giảm lạm phát

11:17 | 18/03/2024
Chia sẻ
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất có thể hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông và tạo điều kiện, mở 'nút thắt' để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cung hàng hóa dồi dào để giảm lạm phát.

Sáng 18/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng các bộ, ngành tiếp tục có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về mặt bằng giá đối với mặt hàng thiết yếu như là xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp,... không để xảy ra tình trạng biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này? Đồng thời, đại biểu cũng gửi nội dung này tới Bộ trưởng Bộ Công thương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong năm 2023 chỉ số giá CPI chỉ tăng 3,25% tuy nhiên, trong nửa đầu quý I/2024 chỉ số này đã tăng đột biến.

"Vì vậy, giá cả hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống nhân dân", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Phớc, trong rổ hàng hoá CPI có 752 loại hàng hóa từ đó hình thành nên các nhóm hàng hoá thực phẩm hay hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục, năng lượng. Vì vậy, cần có giải pháp can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp để làm sao cho giá cả hạ xuống.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, điều hành giá cả. Thứ nhất, có thể hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông để giảm lạm phát và thứ hai tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cung hàng hóa dồi dào. 

Giá cả hàng hoá tăng hay giảm phụ thuộc vào các yếu tố: Chí phí đẩy, cung và cầu. Phải can thiệp được vào ba yếu tố này thì mới điều hành được giá cả.

Bộ trưởng lấy ví dụ về giá xăng dầu, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương đa dạng nguồn cung xăng dầu cả sản xuất trong nước và nhập khẩu ngoài nước để có nguồn cung ổn định. Yếu tố này chiếm 65% - 70% trong việc bình ổn giá xăng dầu.

Yếu tố thứ hai là giảm chi phí định mức, yếu tố này chiếm từ 7% - 11% giá xăng. Và cuối cùng là chi phí thuế chiếm tối đa 29%. Vì vậy, nếu chúng ta tiết giảm được những khoản này nhưng vẫn đảm bảo quan hệ cung cầu thì giá sẽ hạ xuống.

"Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ của chúng ta cũng phải giảm bớt khâu trung gian, để giá giảm bớt giá chênh lệch qua khâu trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý", Bộ trưởng nói.

Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện hoá đơn điện tử đối với các cửa hàng xăng dầu đạt tỷ lệ trên 65%. Việc kết nối hoá đơn điện tử với hệ thống dữ liệu về thuế sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được lượng xăng dầu bán ra và nhập vào. Từ đó, giảm thiểu vấn đề buôn lậu, ảnh hưởng về giá, Bộ trưởng cho biết.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.